Độc lạ ốc "gác bếp"
Tại Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 vừa được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang, chắc hẳn ai đi qua gian hàng trưng bày OCOP của huyện Chiêm Hóa, không khỏi ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến từng giỏ ốc nhồi đen nhánh, khô cong được bày bán tại đây. Đằng sau những giỏ ốc là câu chuyện khởi nghiệp đầy gian truân của vợ chồng chị Phạm Thị Nguyệt.
Chị Nguyệt kể, trước đây, gia đình chị đã nuôi ốc nhồi ta, nhưng hiệu quả không cao, lứa ốc nuôi đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nuôi nên chết sạch, bao nhiêu vốn liếng đổ dồn mua ống giống trắng tay.
Trong một lần tình cờ trò chuyện với người bạn cùng quê, đang sinh sống ở Thái Lan, chị Nguyệt được bạn gửi cho 1 túi ốc lác làm quà, chị lấy ra chế biến ăn rất ngon, giống hương vị ốc treo "gác bếp" mà gia đình làm cho ăn hồi còn nhỏ. "Ngày còn nhỏ sau mỗi vụ gặt xong, được các cụ trong gia đình ra suối bắt những con ốc nhồi to, béo, múp về để mẹ tôi gác trên bếp, sau đó chế biến thành món ăn và để dành đãi khách quý” chị Nguyệt nhớ lại.
Chị Phạm Thị Nguyệt, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) giới thiệu sản phẩm ốc.
Chị Nguyệt bắt đầu nhìn lại quá trình nuôi, nghiên cứu thêm, học hỏi và vận dụng vào điều kiện thực tế và đã cho ra quy trình kỹ thuật nuôi để giảm bớt hao hụt, hạn chế tối đa kiểu nuôi dạng "công nghiệp", thuốc để đảm bảo con ốc được sạch và an toàn nhất. Năm 2021, chị Nguyệt bắt tay vào nghiên cứu sản xuất ốc "gác bếp" với mong muốn mang món ốc dân dã của miền quê đến với nhiều người tiêu dùng và phát triển kinh tế gia đình.
Loài ốc mà người bạn chị gửi làm quà chính là loài ốc lác ở các tỉnh miền Tây có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô và sống trong thời gian dài. Những người đi làm ruộng bắt được ốc lác thường mang về nhà, bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để xông khói. Với cách làm này, ốc như "ngủ” nhiều tháng nên béo, thịt ốc sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng.
Năm 2022, sau khi tạo được sản phẩm ốc "gác bếp" thành công, chị Nguyệt đưa ra thị trường thăm dò. Những sản phẩm ốc "gác bếp" đầu tiên, sản xuất bằng phương pháp của chị đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thời điểm này, chị thành lập Cơ sở sản xuất ốc "gác bếp" Nguyệt Phạm để tạo dựng thương hiệu. Chú trọng mẫu mã bao bì, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của sản phẩm nên chị chọn chiếc giỏ tre dùng đựng ốc "gác bếp". Bao bì này tạo ấn tượng đối với khách hàng vì thân thiện với môi trường.
Sản phẩm ốc gác bếp.
Hiện nay, sản phẩm ốc "gác bếp" của chị có mặt tại các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội với giá khoảng 230.000 đến 250.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc nhồi bình thường, mỗi năm trừ chi phí cho gia đình chị thu lãi gần 400 triệu đồng. "Sản phẩm ốc gác bếp của chị có thể bảo quản, hạn sử dụng từ 1 năm trở lên mà vẫn còn tươi ngon" chị Nguyệt cam kết.
Liên kết sản xuất, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP
Theo chị Nguyệt, thời gian đầu nuôi ốc lác không đạt năng suất, phải kéo dài thời gian nuôi để đạt được trọng lượng theo yêu cầu của khách hàng. Đúc kết kinh nghiệm từ những lần nuôi, chị Nguyệt đã có phương pháp nuôi ốc riêng là sử dụng thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả... Không sử dụng các loại thức ăn không rõ nguồn gốc dễ phát sinh bệnh.
Trước nhu cầu sử dụng ốc lác ngày càng nhiều, chị quyết định chia sẻ kinh nghiệm và liên kết với nhiều người cùng nuôi ốc để đảm bảo sản lượng cung ứng. Đến nay, chị Nguyệt liên kết khoảng 100 người tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm ốc thịt và trứng ốc ra thị trường trên địa bàn các xã trong huyện Chiêm Hóa và ngoài tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình… Riêng tại huyện Chiêm Hóa, chị Nguyệt liên kết, chuyển giao kỹ thuật với gần 50 hộ trên địa bàn, góp phần ổn định đầu vào nguồn sản phẩm, nâng cao thu nhập cho lao động nông nhàn.
Khách hàng chọn mua sản phẩm ốc.
Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế từ việc phát triển nuôi ốc lác "gác bếp", xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích nuôi. Ban đầu chỉ manh nha một vài hộ gia đình, đến nay, toàn xã có gần 20 hộ tham gia liên kết với Cơ sở sản xuất ốc "gác bếp" Nguyệt Phạm để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của xã.
Trong năm tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa sẽ hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục cần thiết để trình hội đồng thẩm định xét duyệt sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ốc "gác bếp" của xã. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết