Phúc Yên là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình, do đó việc tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ được cán bộ y tế vận dụng một cách linh hoạt, vừa đảm bảo tính khoa học vừa tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có của từng hộ gia đình. Gia đình chị Bàn Thị Ẻn, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên là một 20 hộ gia đình trong xã có trẻ bị suy dinh dưỡng được cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Y sỹ Nguyễn Văn Dương, Trưởng Trạm Y tế xã Phúc Yên cho biết: Trạm thường tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng trong những buổi tiêm chủng tại trạm. Cùng với đó, mỗi tháng một lần, các nhân viên y tế sẽ đến các thôn tuyên truyền, tư vấn phụ nữ các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản; vận động phụ nữ mang thai tới khám thai định kỳ; kết hợp giám sát việc đo cân nặng, chiều cao và thực hành dinh dưỡng cho trẻ em tại các bản; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương… Nhờ đó, hiện nay tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 23,27%, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 14,2%.
Chị Lầu Thị Áng, thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ, vợ chồng chị có 2 con, con cả 5 tuổi, con thứ hai 3 tuổi. Trước kia, do chị chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho con ăn nên các cháu bị suy dinh dưỡng, cân nặng và chiều cao đều chậm phát triển. Được cán bộ y tế đến hướng dẫn, đến nay chị đã biết cách chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để giúp cho con phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, chú ý hơn với việc đưa con đi khám, đo cân nặng, chiều cao, tiêm chủng tại Trạm Y tế xã.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Hùng Đức (Hàm Yên) cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dinh dưỡng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Cụ thể, trong năm 2022 hãng sữa Abbott của Mỹ đã triển khai Dự án "Can thiệp vào trẻ suy dinh dưỡng” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 276 trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn 7 xã huyện Sơn Dương được cấp sữa miễn phí trong vòng 8 tháng nhằm phát triển chiều cao, cân nặng cho trẻ; Chương trình Phát triển vùng do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tài trợ được triển khai tại 12 xã của huyện Na Hang và Lâm Bình với mục tiêu phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ thông qua giáo dục, phục hồi dinh dưỡng và hỗ trợ vi chất, ăn bổ sung… Thông qua các dự án và chương trình, những trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ em trên địa bàn các các xã vùng cao đã được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để bổ sung, tăng cường chất dinh dưỡng.
Cùng với thực hiện các dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra cơ sở thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các hoạt động theo sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, như cân, đo trẻ, thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, bà mẹ mang thai… Bác sỹ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việc thực hiện cân trẻ dưới 5 tuổi được triển khai nghiêm túc tại 138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hàng năm số trẻ dưới 5 tuổi được cân luôn đạt 100%. Ngoài ra, hàng năm đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ điều tra tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên địa bàn. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng theo 2 thể nhẹ cân và thấp còi trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2022, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh chiếm 23,5%, giảm 0,2%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 12,9%, giảm 0,2 % so với năm 2021.
Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn. Đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực cho hoạt động truyền thông và các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng cho y tế tuyến cơ sở để góp phần cải thiện tầm vóc và trí tuệ thế hệ tương lai của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết