Nhiều năm nay, anh Trần Trung Bắc, Trưởng Ban Quản lý các công trình nước sạch nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, luôn gắn bó với các bản làng lần tìm nguồn nước sạch trên núi để xây dựng các trạm cung cấp nước sinh hoạt phục vụ bà con vùng cao.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra các
công trình nước về hộ dân tại xã Hà Lang (Chiêm Hóa).
Anh Bắc tâm sự, Ban có trên 70 người phân công nhau phụ trách từng khu vực. Khi có dự án dựa trên kết quả nhu cầu sử nước sạch của bà con, Ban tiến hành khảo sát và lập dự án thực hiện. Hầu hết các công trình nước sạch vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, anh em trong ban phải đi bộ cả ngày đường nhưng cũng không phải lần đi nào cũng thành công. Bởi chỗ thì không đủ nước đáp ứng xây trạm, chỗ đủ nước thì quá xa, lại gập ghềnh. Nếu xây dựng thì kinh phí rất cao và việc bảo dưỡng cũng khó khăn.
Điển hình như để có được công trình cấp nước sinh hoạt xã Yên Hoa - Đà Vị, (Na Hang) cán bộ của Trung tâm nước đã phải đi bộ 12 km mới tìm được nguồn nước sạch đủ điều kiện cung cấp nước ổn định cho người dân 2 xã này. Hay như công trình cấp nước sạch tại xã Hà Lang (Chiêm Hóa), anh em đi bộ cả gần 7 km đường rừng để tìm cho bằng được nguồn nước dẫn về phục vụ nhu cầu của người dân.
Trưởng Ban Quản lý công trình nước sạch nông thôn Trần Trung Bắc chia sẻ, những năm gần đây, hạn hán kéo dài nên việc tìm nguồn nước mặt để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh càng khó khăn hơn. Gian nan là vậy nhưng anh em trong Ban vẫn phải cố gắng, nỗ lực bởi nếu không lấy nước từ nguồn nước mặt sẽ chỉ còn cách lấy nước từ nguồn giếng khoan. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh, mức sống của người dân còn nhiều khó khăn như hiện nay sẽ khó có thể duy trì. Bởi mỗi công trình nước giếng khoan chi phí vận hành rất cao, khoảng 2 triệu đồng tiền điện/tháng; những công trình lớn lên đến cả chục triệu đồng. Đấy là chưa kể các khoản chi phí khi thi công xây dựng nhà trạm và các hạng mục phụ trợ.
Đồng chí Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, gian nan, vất vả của các cán bộ trung tâm, đặc biệt là anh em Ban Quản lý công trình nước đã được đền đáp. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã có trên 30 công trình cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Các công trình đi vào sử dụng đã nâng tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 93%.
Bà Bàn Thị Giàng, thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) phấn khởi nói “Nhờ có cán bộ quản lý công trình nước mà gia đình có nước dẫn về tận nhà, không phải dẫn ống lần tìm nguồn nước nữa. Cảm ơn cán bộ cấp nước nhiều lắm!”
Nước sạch được dẫn về đến từng gia đình thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa).
Theo kế hoạch từ nay đến 2025, tỉnh tiếp tục đầu xây dựng 20 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư, cơ quan, trường học ở các xã có đông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư xây mới các công trình nước sạch, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng đấu nối, tạo nguồn, dẫn nguồn nước ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo phản ánh từ cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, không ít các công trình cấp nước xa khu dân cư, người dân vô tư xâm lấn, thậm chí có một số đối tượng còn thiếu ý thức dùng dao, cuốc băm chặt đường ống, khiến cho việc dẫn nước bị thất thoát. Đó là chưa kể tình trạng chăn thả gia súc, canh tác, sử dụng thuốc trừ cỏ ngay trên khu vực đầu nguồn đập thu nước.
Để giải quyết khó khăn này, Trung tâm đã chủ động làm việc với chính quyền các địa phương vận động người dân phối hợp với cán bộ của đơn vị cùng chính quyền bảo vệ các công trình và đầu nguồn nước đảm bảo hoạt động ổn định lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết