Hơn 40 năm cống hiến
Tôi gặp thầy Viễn trong một buổi sáng mùa thu mát lành. Con đường đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi (Yên Sơn) đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Những lớp học mới đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Chỉ vài tháng nữa thôi, các em học sinh và thầy cô nơi đây sẽ được học tập, làm việc, sinh hoạt trong những lớp học mới khang trang hơn. Cũng chỉ vài tháng nữa, ngôi trường vùng cao với gần 100% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ nói lời chia tay với người thầy đáng kính Trần Duy Viễn...
Thầy Viễn ân cần chuyện trò, hỏi thăm tình hình của các em học sinh.
Trong căn phòng Hội đồng nhà trường gọn gàng, nhỏ nhắn, thầy Viễn giới thiệu đây là nơi làm việc của tất cả thầy cô giáo, kể cả thầy cô Phó Hiệu trưởng. “Phòng của tôi tận dụng một nửa nhà kho bên trên tầng 2”... Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu như thế, đủ để thấy sự khó khăn của ngôi trường nơi rẻo cao này... Thầy Viễn bắt đầu công tác trong ngành Giáo dục từ năm 1982 - năm đầu tiên ngày Nhà giáo Việt Nam được tiến hành trọng thể trên cả nước. Thế nhưng câu chuyện của thầy Viễn khi ấy lại là những tháng ngày gắn bó sâu nặng với học sinh vùng cao tại trường Phổ thông cơ sở Công Đa (Yên Sơn). Lúc đó, thầy dạy bộ môn Toán và Kỹ thuật. “Thời ấy, cái gì cũng thiếu thốn. Bữa ăn hàng ngày cũng chỉ có cơm độn sắn, canh lá sắn ngâm chua. Có thời điểm các thầy cô đi bộ 5 km từ Công Đa ra kho lương thực ở Đạo Viện xếp hàng lấy gạo theo xuất tem phiếu, khi đến lượt mình thì hết gạo nên đành ngậm ngùi đi về...”. Nhấp một ngụm trà rồi thầy Viễn chậm lại đôi chút. Giai đoạn ấy thực sự khó khăn, nhiều thầy cô giáo phải bỏ nghề. Nhưng sống trong vùng đồng bào cũng có cái vui, khó khăn, thiếu thốn nhưng được bà con nhân dân đùm bọc, học sinh quý mến. Người ta phải nhìn thấy được hạnh phúc trong gian nan, như vậy mới có thể gắn bó lâu dài.
Sau thời gian dạy học ở Công Đa, thầy Viễn có 3 năm đi tăng cường và trực tiếp giảng dạy tại trường Sư phạm huyện Xín Mần (Hà Giang). Rồi thầy trở về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trực tiếp làm công tác phổ cập giáo dục, tham gia mở các lớp xóa mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Đó là quãng thời gian dài nay đây mai đó đến những vùng đồng bào xa xôi. “Khi làm xong công tác kiểm tra, chúng tôi bảo nhau đạp xe về trong lúc mưa, bởi khi tạnh đất lầy, đường trơn không đi được...” - Thầy Viễn kể.
Ngày hôm nay, thầy Viễn vẫn lên lớp, với phấn, giáo án, bục giảng như mọi ngày. Thế nhưng, trong ký ức người thầy vẫn không thể nào quên một thời gian khó bám bản, mở cánh cửa tri thức bên những con suối, triền đồi đầy gian nan. Đến nay, thành quả của những tháng ngày nỗ lực ấy cũng thật ngọt ngào bởi những thế hệ học trò một thời trên đất khó được gieo mầm tri thức giờ đã trưởng thành, trở về cống hiến, đóng góp và xây dựng quê hương...
Trái tim “người gieo hạt”
Tôi biết thầy Viễn là người nghiêm nghị, thẳng thắn. Dù vậy, nét giản dị và đôn hậu của người thầy vùng cao vẫn hiện lên trên đôi mắt và dáng vẻ khoan thai. Trong từng câu chuyện mà thầy chia sẻ, người ta mới cảm nhận được tình yêu thương đối với học trò và sự tâm huyết của người giáo viên vùng cao...
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi được thành lập năm 2012. Đây cũng là ngôi trường mà thầy Trần Duy Viễn có thời gian gắn bó lâu nhất trong sự nghiệp giáo dục của mình. Sau 3 năm thành lập, năm 2015, thầy được điều chuyển công tác và giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Hiện trường có 16 lớp với hơn 500 học sinh, trên 50% các em là con em đồng bào dân tộc Mông. Còn lại các em là người Dao, Tày, Nùng, Pà Thẻn... Có 170 em học sinh ở lại trường nội trú do nhà ở các thôn xa như Khuổi Ma, Tấu Lìn, Bum, Kẹn... Dù chỉ cách trường 5 - 7 km nhưng đường đi lại khó khăn, hay sạt lở và phải qua nhiều sông, suối. Những ngày thầy Viễn cùng các thầy cô ở lại trực đêm cũng là nhiều đêm không ngủ bởi những khi có học sinh trèo tường trốn ra ngoài thầy cô phải đi tìm, có em chẳng may ốm sốt nửa đêm...
Mỗi giờ lên lớp của thầy giáo Viễn được các em học sinh vô cùng yêu thích.
Chỉ tay về phía những công trình đang được xây dựng, thầy Viễn bảo: “Những ngày đầu mới về trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trường học chưa có hàng rào như bây giờ nên thanh niên hay lao xe máy vào trong trường nổ máy quậy phá... Khi về, tôi cho dựng hàng rào tre nứa để bảo vệ các em học sinh. Rồi dần dần mỗi năm một chút làm hàng rào bê tông bao quanh để vừa giữ đất cho nhà trường, vừa tránh thanh niên ra vào nghịch ngợm, gây gổ với học sinh trong trường. Khi đi giao lưu ở thôn bản, tiện gặp mấy thanh niên, tôi lại gần vỗ vai nói nhỏ nhẹ: “Các em trong trường không có gì. Các anh có quen mấy thanh niên hay vào trường thì nhắc giúp thầy đừng vào quậy phá, để các em học”. Hiện nhà trường đang được đầu tư xây dựng nhà ở bán trú và lớp học 2 tầng cùng các công trình phụ trợ khác trị giá trên 21 tỷ đồng. Đây là niềm vui lớn đối với các em học sinh vùng cao. Cũng là việc làm mà thầy Viễn muốn thực hiện trước khi rời mái trường này.
Giống như nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa khác, các thầy cô nơi đây đều có chung một mong ước đó là “học sinh đến trường đầy đủ”. Các em nghỉ học, thầy cô lặn lội đến nhà khuyên bảo; mỗi đợt nghỉ dài như nghỉ lễ, Tết, các thầy cô phải kết nối với gia đình, làm tư tưởng cho các em... Tại ngôi nhà chung thứ hai này, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức để tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Cứ thứ hai hàng tuần, các thầy cô cùng các em mặc trang phục dân tộc, vừa tạo sự gần gũi, vừa để gìn giữ nét đẹp truyền thống địa phương. Đó là cách để thầy Viễn cùng các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi khiến các em học sinh yêu trường, yêu lớp hơn từ đó tự nguyện gắn bó như chính gia đình thứ hai của mình.
Dù hàng ngày nghiêm khắc là thế, nhưng khi lên lớp, từng bài giảng của thầy Viễn lại vô cùng thu hút và được các em học sinh yêu thích. “Tôi vẫn thường bảo các em rằng, đừng có yêu thật nhanh, lấy thật nhanh... rồi lại bỏ thật nhanh. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. “Từ đủ” có nghĩa là...” - thầy Viễn cười khi nói về tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi bài giảng giáo dục công dân trên lớp, thầy đều dẫn luật một cách ngắn gọn, chặt chẽ đủ để các em học sinh hiểu được. Qua từng câu chuyện thực tế cuộc sống, giờ học cũng bớt căng thẳng, trở nên sinh động và hấp dẫn hơn với mỗi học sinh trong trường.
Hơn 40 năm cống hiến trong ngành Giáo dục, thầy giáo Trần Duy Viễn đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích trong sự nghiệp giáo dục địa phương. Thế nhưng với sứ mệnh đưa học sinh đến bến bờ tri thức, món quà lớn nhất đó chính là tình yêu thương, lòng kính trọng của mỗi thế hệ học sinh đã lớn lên, trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết