Các lao động địa phương dệt thổ cẩm tại cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).
Hiện nay toàn huyện Hàm Yên hiện có trên 1.300 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho trên 1.800 lao động, trong đó chủ yếu là các nghề chính như gò, rèn, sửa chữa gia công cơ khí, may mặc quần áo, sản xuất nông cụ cầm tay, dệt thổ cẩm... Các hộ dân làm nghề tập trung nhiều ở các xã Minh Hương, Thái Sơn, Đức Ninh, Hùng Đức, Bình Xa, Thái Hòa, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên. Việc duy trì, mở rộng và phát triển nghề truyền thống đang dần được huyện đẩy mạnh nhờ chính sự linh hoạt của các hộ theo nghề và các cơ chế hỗ trợ kịp thời của nhà nước.
Thế hệ nối tiếp thế hệ, nghề rèn của gia đình anh Nguyễn Văn Trưởng, thôn 2, Thái Bình (Thái Sơn) đã được duy trì 4 đời nay. Anh Trưởng chia sẻ, lớn lên đã gắn bó với lò rèn, với những tiếng đập chát chúa nên học nghề, theo nghề rất tự nhiên thôi, bản thân cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ học một nghề khác hoặc bỏ nghề... Với các sản phẩm chính là các loại nông cụ, sản phẩm của gia đình anh có mặt tại các chợ trong huyện, rồi mở rộng sang cả Yên Bái, Hà Giang. Tuy nhiên, không như trước đây nghề chỉ truyền cho con cháu trong gia đình, giờ ngoài duy trì nghề, anh cũng nhận dạy và đào tạo nghề cho lao động từ nơi khác. Mỗi năm, xưởng rèn của gia đình anh nhận ít nhất từ 5 - 6 lao động từ các nơi khác đến học.
Là một thôn xa nhất của xã Bằng Cốc, ẩn hiện nếp nhà sàn cổ của người Cao Lan, thôn Hợp Hòa nổi tiếng với nghề đan rọ tôm. Toàn thôn Hợp Hòa hiện có 147 hộ dân thì có 120 hộ làm nghề. Theo bà Nịnh Thị Thanh, một trong những người đan rọ tôm đầu tiên ở thôn 8 Hợp Hòa thì ngọn nguồn, gốc tích của nghề này là từ xã Xuân Lai thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái). Với nguồn nguyên liệu là cây giang, cây tế sẵn có tại địa phương, cả thôn hiện có 78 hộ thì có 58 hộ đan rọ tôm. Rọ được bán theo xâu, mỗi xâu là 20 rọ, mỗi chiếc khoảng 5.000 đồng, vị chi một xâu lãi được 100.000 đồng.
Anh Nịnh Thanh In, Trưởng thôn Hợp Hòa cho biết, nghề đan rọ tôm gắn bó với bà con trong xã như việc trồng lúa, trồng màu hay nuôi con gà con lợn. Trồng cấy còn có thời vụ, nhưng đan rọ tôm thì quanh năm suốt tháng. Ngày nào họ cũng đan, vào những ngày nghỉ, nếu có 3 - 4 người tập trung đan rọ thì một ngày cũng có thể làm được 50 chiếc. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng cũng thu được 3 triệu đồng/tháng.
Người dân thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) duy trì nghề đan rọ tôm.
Đồng chí Bì Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc chia sẻ, khó khăn là hiện nay nguồn nguyên liệu làm rọ ngày càng khan hiếm, thêm vào đó lớp thanh niên trong làng đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng đến tiêu thụ thế nhưng bà con nơi đây vẫn ý thức được việc gìn giữ nghề quý này. Chính quyền xã đã triển khai khuyến khích bà con trồng cây tế, cây giang để làm nguyên liệu. Đồng thời hàng năm xã tổ chức tuyên truyền cho lớp người già có ý thức truyền nghề cho lớp trẻ để tạo điểm nhấn về nghề tiểu thủ công nghiệp của xã.
Bên cạnh có cơ chế, động viên khuyến khích cơ sở, hộ gia đình tích cực truyền nghề, phát triển nguyên liệu thì huyện Hàm Yên mở các lớp dạy nghề. Theo anh Đoàn Cải Lương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thì hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống, bao gồm: nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan...
Những năm qua, Cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên trực tiếp đến các hộ dân dạy nghề và đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm. Chị Lục Thị Bình, chủ cơ sở chia sẻ, điển hình như 2 năm trước, cơ sở phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề dệt cho 10 hộ dân tại thôn Khau Lình, xã Phù Lưu. Từ 10 hộ ban đầu, giờ đã nhân ra trên 39 hộ cùng làm theo hình thức 2 - 3 hộ chung nhau 1 máy dệt. Ngoài ra hiện nay có khoảng hơn 120 hộ dân ở các xã Yên Lâm, Yên Phú, Minh Hương... tham gia sản xuất tại nhà.
Bà Triệu Thị Nhùi, xã Phù Lưu chia sẻ: “trước đây, hết thời gian làm ruộng thì chị em trong thôn gần như chẳng có thêm việc gì để kiếm thêm thu nhập, nhưng giờ thì thay đổi rồi. Nguyên liệu được cung ứng, sản phẩm được bao tiêu, giờ mỗi ngày trung bình chúng tôi cũng dệt được trên 50 chiếc khăn/ngày, với giá 1.500 đồng/khăn, nếu làm đều thì thu nhập cũng là khá đối với một hộ gia đình ở nông thôn”.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, mặc dù nhiều nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn so với trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ phía người dân và chính quyền địa phương luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển. Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, trong thời gian tới đây, để phát triển ổn định, bền vững các nghề truyền thống trong cơ chế thị trường, thời gian tới huyện ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở, tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất ở những nghề có lợi thế, có tiềm năng về thị trường tiêu thụ. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền khuyến khích các hộ nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo dựng uy tín, thương hiệu sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề...
Gửi phản hồi
In bài viết