Ngày xưa, có mơ ước cũng chẳng bao giờ người dân thôn 10, xã Tân Long (Yên Sơn) lại nghĩ có nhà cao, cửa rộng, có đời sống khấm khá như hôm nay. Nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại cho họ điều đó. Những ngày này, đang là chính vụ cuối năm, ai cũng tất bật với công việc chăm sóc tằm để nhả tơ vàng đúng thời vụ.
Trong căn nhà khang trang ngay mặt đường quốc lộ 2C, ông Nguyễn Văn Đồng, thôn 10 kể, cuối thập niên 90, ông là một trong những người đầu tiên mang nghề trồng dâu nuôi tằm về nơi đây.
Nguyễn Văn Đồng, thôn 10, xã Tân Long cho biết, thời điểm tằm ăn rỗi chuẩn bị làm kén, mỗi ngay phải đi lấy lá vài lần mới đủ thức ăn.
Ngày xưa mang cây dâu về trồng cũng đâu biết, nguồn đất phù sa màu mỡ ở bãi bồi bên dòng Lô cùng với khí hậu phù hợp đã tạo môi trường thuận lợi để cây dâu tằm sinh trưởng, và nghề trồng dâu nuôi tằm cũng ra đời từ đó.
Những ngày tằm ăn rỗi, người dân thôn 10 phải tích cực hái lá nuôi tằm.
Chỉ tay về bãi soi Sính giữa dòng Lô, ông Đồng bảo, ngày xưa đây là bãi bồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, bởi chia cắt dòng nước, nhưng từ ngày có nhà máy thủy điện Tuyên Quang, dòng nước đã điều hòa hơn trước, đường đi thuận lợi, bãi bồi khi xưa nay đã như hòn đảo xanh, bạt ngàn cây dâu tằm trông thật “đã mắt”.
Hơn 20 ha soi Sính được phủ xanh bởi cây dâu tằm, lúc nào cũng có người dân khai thác lá.
Đang tất bật bắt tằm làm kén theo ý đồ, chị Nguyễn Thị Lan, thôn 10 là hộ có nhiều sản lượng kén nhất của thôn miêu tả đầy thi vị, con tằm muốn làm kén phải có tổ, người dân tự thiết kế tổ là các hình vuông đường kính 3x3 cm, mỗi khuôn có khoảng 200 ô được gọi là 1 né. Gia đình chị hiện có 100 né, mỗi năm bán ra khoảng gần 1 tạ kén, thu nhập cũng ngót hơn 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn 10 đang sắp xếp tằm làm kén theo ý muốn.
Chị Lan bảo, nhờ con tằm, cây dâu mà chị thành hộ khá trong thôn, gia đình có của ăn, của để. Người làm nghề trong thôn ai cũng tâm niệm sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu kén tằm thôn 10, Tân Long với thương lái gần xa.
Những ngày tằm làm kén lúc nào cũng có người túc trực để sắp xếp các con tằm theo đúng ý.
Trưởng thôn 10, ông Ngô Đức Thiệu tấm tắc nói, người dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đã đi vào ổn định, tuy số lượng hộ tham gia có giảm so với trước nhưng đọng lại là những người mang chữ Tâm, duyên nợ sẽ quyết gắn bó với nghề.
Trưởng thôn 10, xã Tân Long - Ngô Đức Thiệu chia sẻ, cây dâu tằm thật sự đã thay đổi cuộc sống của người dân.
Toàn thôn hiện có 19 hộ dân tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm, với hơn 1.800 né, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1 tấn kén. Thương lái thu mua chủ yếu từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Phúc.
Để chuẩn bị cho những mẻ kén đạt yêu cầu, người dân phải chọn lựa kỹ càng trước khi xuất bán.
Bà Nguyễn Thị Huệ, thôn 10 năm nay vui hơn, bà bảo năm nay kén được mùa, được giá, bà con ai cũng phấn khởi, với giá thu mua 150.000đ/1kg dự kiến gia đình bà cũng lãi khoảng 70 triệu đồng mỗi vụ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, tổ 10 đang sắp kén cho thương lái đến thu mua.
Năm 2019, Dự án chăn nuôi tằm theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Tân Long với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng được triển khai, đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trồng dâu, nuôi tằm nơi đây. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ nuôi tằm đã được đi tham quan, học tập kỹ thuật, được hỗ trợ cây giống, phân bón, con giống, vật tư…
Người dân thôn 10 luôn chủ động tằm giống cho vụ sau.
Anh Trần Ngọc Vinh, cán bộ khuyến nông xã cho biết, so với 4 năm trước, diện tích trồng dâu tằm đã được mở rộng lên 22 ha. Bà con cũng được tiếp cận với giống cây dâu mới, giống tằm mới, học các kỹ thuật đốn dâu, công nghệ nuôi tằm hai giai đoạn… Nhờ đó, nghề nuôi tằm ngày một phát triển.
Trồng dâu nuôi tằm được ví như nghề truyền thống của người dân thôn 10, xã Tân Long.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng dâu thì việc chăm sóc tốt để cây dâu cho nhiều lá, năng suất cao là yếu tố rất quan trọng. Theo nhiều hộ dân làm nghề, trước đây trồng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên cây dâu sinh trưởng và phát triển không ổn định, có những mùa vụ hàng loạt diện tích dâu bị nhiễm bệnh, cây bị nấm và xoăn lá dẫn tới không đủ thức ăn cho tằm. Nhưng nay, người dân đã chú trọng đến việc học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu phòng trừ sâu bệnh, bón phân cho ruộng dâu đến cách vệ sinh phòng bệnh và các dụng cụ nuôi...
Những ngày cuối tháng 11, mỗi người dân thôn 10, xã Tân Long đều có 3 lần đi ra soi Sính để hái dâu về chăn tằm.
Trồng dâu nuôi tằm so với trồng lúa thì hiệu quả gấp 6, 7 lần, mỗi năm có 2 vụ đầu năm và cuối năm. Tuy nhiên hiện nay, ở thôn 10, Tân Long mới chỉ dừng lại ở việc nuôi tằm, đóng kén, chứ chưa đến công đoạn kéo tơ, bởi chi phí máy móc, nhân lực cần nhiều. Đa số người trẻ đều đi làm ăn xa, nguồn nhân lực ngày càng ít dần.
Cây dâu tằm được người dân chăm sóc nên phát triển tốt và cho lá theo đúng thời vụ.
Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long chia sẻ, cùng với việc mở rộng diện tích canh tác, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, chính quyền xã cũng chủ trương thành lập hợp tác xã, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó giúp giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho bà con nông dân, giúp người dân thêm gắn bó với nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết