Để phát triển kinh tế trên những vùng đất khó, thời gian qua người dân một số xã trên địa bàn huyện Sơn Dương đã lựa chọn cây cà gai leo để phát triển kinh tế. Hiện nay, các địa phương đang mở rộng diện tích, áp dụng khoa học, kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho sản phẩm. |
Cà gai leo không phải cây trồng mới, mà từ năm 2016 cây cà gai leo cũng đã được người dân trồng tại xã Hợp Hoà (Sơn Dương). Tuy nhiên những năm tiếp theo do giá cả biến động thất thường cộng với quy trình chăm sóc không đảm bảo, sản phẩm khó tiêu thụ khiến nhiều hộ dân phá bỏ cây cà gai leo chuyển sang cây trồng khác. |
Khi quả cà gai leo chín đỏ cũng là lúc cà gai leo đã đến kỳ thu hoạch. |
Với mong muốn tìm lại giá trị cây cà gai leo, anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hoà, cử nhân ngành công nghệ thông tin đã cùng người dân “vực dậy” cây cà gai leo, nghiên cứu chế biến cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. |
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa Livestream bán các sản phẩm từ cà gai leo trên mạng xã hội. |
Để cụ thể mục tiêu đó anh Hoàng đã đứng ra thanh lập HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo. |
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa trải lòng trên hành trình vực dậy cây cà gai leo |
Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp từ cây cà gai leo, anh đã vận động người dân trồng cà gai leo và HTX của anh sẽ thu mua sản phẩm cho bà con theo đúng cam kết, cà gai leo sẽ được chế biến tại địa phương. Nhận thấy sự tâm huyết, nhiệt tình của vị giám đốc trẻ, người dân đã tin tưởng và liên kết trồng cà gai leo với HTX. Đến nay, HTX có 13 thành viên và hơn 40 hộ liên kết trồng cà gai leo. |
Người dân xã Quyết Thắng (Sơn Dương) sơ chế cà gai leo ngay tại ruộng. |
Anh Hoàng cho biết, qua tìm hiểu về cây cà gai leo từ những chuyến đi thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố, anh nhận thấy cây cà gai leo là cây dược liệu rất tốt, dễ trồng và không kén đất và đặc biệt cà gai leo trồng tại huyện Sơn Dương có dược tính cao cho ra các sản phẩm chất lượng thôi thúc anh tiếp tục phát triển sản phẩm dược liệu này. |
Anh Bùi Văn Hoàng là điển hình thanh niên vươn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương |
Hiện nay sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của HTX đã đạt OCOP 4 sao, ngoài ra HTX phát triển thêm các sản phẩm cao cà gai leo. |
|
Hiện nay cây dược liệu cà gai leo đang được người dân các xã Hợp Hoà, Quyết Thắng (Sơn Dương) trồng cung cấp cho một số cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích gần 40 ha. Với giá bán ổn định, cà gai leo đang là cây trồng được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế trên vùng đất cằn. |
Người dân sơ chế và phơi khô cà gai leo trước khi bán |
Phá bỏ hơn 1 mẫu sắn trồng trên đất vườn đồi để chuyển sang trồng cây cà gai leo, chỉ sau 4 tháng trồng, gia đình ông Lương Văn Tự, thôn Liên Thắng, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) đã được thu hoạch lứa đầu tiên với thành quả ngoài mong đợi. Hơn 3 tấn cà gai leo khô được bán với giá 30.000 đồng/kg đã mang về doanh thu 90 triệu đồng cho gia đình. Do chi phí ban đầu cao nên gia đình chỉ thu lãi hơn 10 triệu đồng, tuy nhiên chỉ hơn 3 tháng sau cà gai leo lại cho thu hoạch lứa 2, gia đình chỉ phải bỏ ra 10 triệu đồng tiền phân bón, còn lại thu lãi hơn 70 triệu đồng. Theo ông Tự, cà gai leo hiệu quả kinh tế hơn cây sắn rất nhiều. |
Người dân một số xã trên địa bàn huyện Sơn Dương đầu tư thâm canh cà gai leo để phát triển kinh tế. |
Đồi trọc, vườn cằn giờ đã được phủ xanh bởi cà gai leo. Để cà gai leo cho năng suất chất lượng cao nhiều hộ dân đã áp dụng quy trình thâm canh, đưa cơ giới hoá vào sản xuất.
|
Cà gai leo phát triển tốt trên đất gò đồi. |
Ông Đỗ Văn Thu, thôn Liên Thắng, xã Quyết Thắng cho biết, trước đây nhiều người ngại trồng cà gai leo vì loại cây này khó làm, thân toàn gai nhọn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây từ khâu làm đất, thu hoạch, băm cà gai leo đã có máy móc hỗ trợ nên công việc trở nên dễ dàng hơn. Theo ông Thu, so với các cây màu khác trên cùng diện tích thì cây cà gai leo cho thu nhập cao hơn mà cây cà gai leo có thể cho thu hoạch 3 lần/năm và gốc có thể lưu được 2 năm. |
Người dân vui vì cà gai leo được mùa, giá ổn định. |
Theo người dân, quy trình chăm sóc cà gai leo đơn giản, cây hầu như không có sâu bệnh. Để hạn chế cỏ dại người trồng cà phủ nilon lên mặt luống và chỉ bón phân chuồng khi mới trồng và bổ sung phân đạm khi thu xong các lứa tiếp theo. Nước tưới cũng rất cần cho cây cà gai leo, hiện nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động. Với việc đầu tư thâm canh, hiện mỗi ha cây cà gai leo cho năng suất khoảng 6 tấn/năm. |
Cơ sở sản xuất cà gai leo của anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hoà (Sơn Dương) bao tiêu hầu hết sản phẩm cho người dân trong vùng |
Có thể nói, hiệu quả từ cây cà gai leo mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả trên địa bàn huyện Sơn Dương. Tuy nhiên chính quyền địa phương và người dân cần tích cực, chủ động liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. |
|
Gửi phản hồi
In bài viết