Lợn đen Yên Hoa

- Khu vực trung tâm xã Yên Hoa (Na Hang) tấp nập những hộ kinh doanh buôn bán, ít ai biết nơi đây có một nghề nuôi lợn đen bản địa theo quy mô hàng hóa, mang lại thu nhập tốt cho người dân vùng cao.

Khu vực trung tâm xã Yên Hoa (Na Hang) tấp nập những hộ kinh doanh buôn bán, ít ai biết nơi đây có một nghề nuôi lợn đen bản địa theo quy mô hàng hóa, mang lại thu nhập tốt cho người dân vùng cao. 

 

Trong căn nhà khang trang mới được tu sửa, ông Tạ Văn Thành, thôn Bản Chợ vui mừng, gia đình vừa bán 30 con lợn đen thu về hơn 200 triệu đồng. Những ngày này, gia đình đang tập trung sửa chữa, vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị bắt đầu một lứa lợn mới.

Là hộ chăn nuôi lợn nhiều nhất trong thôn, ông Thành chia sẻ, thức ăn của lợn chủ yếu là cám gạo, bột ngô nấu chín cùng các loại rau nhà trồng được. 


Ông Tạ Văn Thành, thôn Bản Chợ đều sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên để nuôi lợn 

Do được chăm sóc đúng quy trình nên đàn lợn của gia đình lớn rất nhanh, sau chín tháng nuôi, trọng lượng bình quân trên 80kg/con, chất lượng thịt tốt nên bán giá cao hơn và dễ tiêu thụ. 


Ở  các thôn trung tâm của xã Yên Hoa xuất hiện nhiều các chuồng trại nôi lợn đen được đầu tư quy mô và chuyên nghiệp. 

Mới bén duyên với nuôi lợn đen được hơn 2 năm, nhưng anh Lộc Văn Thuận, thôn Bản Chợ được nhân dân gọi là “mát tay”, khởi nghiệp từ 2 con lợn nái, sau hơn 2 năm anh có trong tay gần 50 con lợn thịt và 4 con lợn nái, mỗi năm thu gần 300 triệu đồng. Chúng tôi đến gia đình đúng thời điểm anh vừa đầu tư 200 triệu đồng cải tạo lại hệ thống chuồng trại của gia đình. 


Chuồng nuôi lợn sinh sản mới xây dựng của anh Lộc Văn Thuận, thôn Bản Chợ, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp mỗi năm khoảng 200 con lợn giống cho các hộ gia đình. 

Anh kể, năm 2021, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đầu tư nuôi lợn. Thấy có hiệu quả rõ rệt sau hơn 2 năm nuôi, năm nay, anh quyết tâm tập trung vào nuôi lợn nái để bán lợn giống. Dự tính, khi vào quy mô, mỗi năm gia đình sẽ thường xuyên nuôi hơn 100 con, lãi ước đạt 150 triệu đồng/năm. 


Là giống lợn được nuôi lâu đời, giống lợn đen tại xã Yên Hoa dễ chăm sóc và có chất lượng thịt ngon.

Giống lợn đen bản địa các xã vùng cao huyện Na Hang, do đồng bào dân tộc thiểu số nuôi từ lâu đời là giống lợn quý hiếm, với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng, ưu thế hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, rất phù hợp thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoa, Ma Đại Duy phấn khởi nói, nhiều người không nghĩ giữa khu vực trung tâm Yên Hoa lại tồn tại nghề nuôi lợn đen thương phẩm, thương lái “kết” lợn đen Yên Hoa đến mức sẵn sàng trả giá lợn giống đến 200 nghìn đồng/kg, lợn thương phẩm luôn ổn định giá 55 nghìn đồng/kg. Họ bảo, thịt lợn ở đây ít mỡ, bì dày và rất thơm nên các nhà hàng rất ưa chuộng. 


Lợn đen Yên Hoa được các nhà hàng rất tín nhiệm, lợn ít mỡ, chất lượng thịt ngon, thơm. 

Lợn đen Yên Hoa tập trung chủ yếu tại 3 thôn trung tâm là Nà Khuyến, Tân Thành và Bản Chợ với số lượng lợn trên 3.000 con, hơn 100 hộ tham gia nuôi. Là hộ gia đình mới thoát nghèo trong năm nay, chị Hoàng Thị Niên, thôn Tân Thành năm nay thu hơn 200 triệu đồng từ đàn lợn, khi chúng tôi đến chị đang tất bật với chiếc máy xay xát mới mua, chị bảo, nuôi lợn đen cần nhất là sạch, thức ăn sạch, môi trường sạch và sạch dịch bệnh. So với lợn trắng, lợn đen bản địa khá dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Lợn đen có thể nuôi nhốt chuồng hoặc thả rông xung quanh vườn nhà. 


Nhiều hộ gia đình cũng chủ động mua máy xay xát để tận dụng nguồn phụ phẩm từ lúa, ngô làm thức ăn chăn nuôi. 

Thức ăn chủ yếu của lợn đen là phụ phẩm nông nghiệp, rau, cỏ rừng, chuối. Có thể nấu thêm ngô cho lợn ăn từ 1 - 2 bữa/ngày. Lợn đen nuôi trong khoảng hơn 8 tháng mới xuất chuồng, tuy nhiên giá thịt lợn đen luôn ổn định từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Chăn nuôi lợn đen cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ thì đàn lợn sẽ phát triển khỏe mạnh, hạn chế được bệnh tật. Tuy nhiên có một khó khăn mà chị và nhiều người gặp đó là giá thu mua không ổn định, còn nhiều bấp bênh. Thực tế lợn quá to sẽ nhiều mỡ khó tiêu thụ nên bà con vẫn cần nhiều đầu ra hơn cho sản phẩm. 


Nuôi lợn đen tại xã Yên Hoa chủ yếu bằng các nguyên liệu tự nhiên. 

Dù là xã phát triển nhất trong các xã khó khăn của huyện Na Hang, nhưng Yên Hoa vẫn còn nhiều hộ nghèo. Doanh thu mỗi năm từ bán lợn đen trên địa bàn xã đạt khoảng 3,5 tỷ đồng. Có thể nói đây là hướng đi đầy triển vọng, vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương cần mở hướng xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ để sản phẩm lợn đen mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho người dân. 


Lợn đen đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tại các thôn Trung tâm của xã Yên Hoa.