Giữ nguồn dược liệu giữa đại ngàn

- Xã Khâu Tinh (Na Hang) nằm ở độ cao trên 1.000 mét, được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với những quần thể cây nghiến hàng nghìn năm tuổi, hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Ở đó chứa một kho báu thảo dược với những bài thuốc nam, thuốc tắm quý... Có lẽ vậy nên bao đời nay đồng bào người Dao ở Khâu Tinh vẫn giữ những “bí kíp” thuốc nam mà ít nơi nào có được.

Nữ lương y người Dao

Bà Hoàng Thị Coi, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh năm nay đã ngoài 60 tuổi. Bà cũng là lương y duy nhất hiện đang giữ trên 30 bài thuốc cổ của người Dao về chữa bệnh cứu người.

Giữa cái lạnh căm căm, xé da xé thịt, những ngày tháng 11 Âm lịch, mây mù giăng kín lối đi. Vừa xoa tay, vừa xuýt xoa để xua đi cái lạnh, trong căn nhà đơn sơ, dưới ánh điện mập mờ, bà Coi đang tất bật xử lý những đơn thuốc gửi cho khách tận miền Nam. Vốn là người khá cởi mở, bà Coi hồn hậu pha trà thảo dược mời khách, bà bảo, bốc thuốc nam như một cơ duyên của cuộc đời và vì lý đó nên bà gắn bó cho đến tận hôm nay.

Bà Hoàng Thị Coi, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh (Na Hang).

Năm 8 tuổi, bà Coi được bà nội là lương y Triệu Thị Viền, lúc đó là thầy lang nổi tiếng trong vùng chọn là truyền nhân. Bà Coi kể, lúc nhỏ được bà nội cho đi rừng lấy thuốc, bà không chú tâm lắm, mãi sau được cùng bà chữa bệnh, được nhìn hình ảnh người bệnh vượt nhiều cơn nguy kịch trước khi đi các bệnh viện tuyến trên, bà tự thấy yêu quý các bài thuốc nam vô cùng. Từ năm 1974, cô bé Hoàng Thị Coi khi ấy 11 tuổi đã có thể thay bà bốc những bài thuốc chữa đau bụng, chữa Zona thần kinh để giúp mọi người…

Khuôn mặt hiền hậu ánh lên sự hào hứng, bà Coi kể, đến khi lập gia đình, bà lại được bố chồng cũng là thầy lang giỏi chuyên về những bài thuốc hiếm muộn, về bồi bổ sức khỏe lựa chọn để truyền nghề. Và cứ thế, nghề thuốc tìm đến với bà như một cơ duyên thật sự, bà bảo, có muốn lảng tránh, bỏ nghề đi làm việc khác cũng không có cơ hội, lại thành có lỗi với gia đình, với người bệnh. Bà Coi tự hào gần 50 năm bốc thuốc, bà chưa bao giờ lấy tiền của ai, đơn giản chỉ là giúp người qua cơn nguy nan và giữ trọn chữ Tâm với nghề.

Năm 2014, bà Coi vinh dự được cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”, được tham gia Hội đông y xã Khâu Tinh. Được chính quyền công nhận bà vui lắm, như vậy là bài thuốc xa xưa của người Dao đã được bảo hộ và bà có thể truyền nghề cho lớp trẻ để tránh mai một những công thức quý.

Bà Coi kể, nghề bốc thuốc của gia đình lưu truyền đến nay tròn 4 đời. Ngày xưa, trong làng có ai đau ốm đến kêu cứu thì các cụ lại ra tay lấy thuốc cứu người, khi chữa khỏi bệnh người ta tạ ơn bằng cách đem đến khổ thịt lợn, chai rượu, con gà. Thậm chí có nhà chỉ mang vài ba cân gạo nếp nương để cảm ơn thầy lang. Ấy vậy mà thấy rất vui, người nào cũng cười ra rả. Vui không chỉ vì thầy thuốc chữa được cho nhiều người mà vì cảm thấy được người dân tôn trọng, đi đến đâu cũng được bà con, hàng xóm tiếp đãi nồng hậu, ra đường từ người già đến trẻ nhỏ đều cúi đầu chào.

Bà Coi giới thiệu các cây thuốc với mọi người.

Tôi có thắc mắc, bao năm hành nghề thuốc nam, đã bao giờ bà phải đi tận các xã xa để lấy cho đủ bài thuốc. Bà Coi cười và chia sẻ, thú thật không nơi nào nhiều dược liệu như Khâu Tinh. Bà ví dụ, thuốc gì cũng có, có những bài thuốc chữa bệnh về gan phải kết hợp trên 10 loại thuốc, có nhiều cây đặc hữu nhưng chỉ lên rừng là có thể lấy được dễ dàng.

Câu chuyện của tôi và bà Coi liên tục bị gián đoạn bởi những người đến xin thuốc. Đôi tay thoăn thoắt bốc các đơn thuốc, bà Coi phân trần, thuốc nhiều nhưng tuyệt nhiên tôi và mọi người đều có ý thức giữ gìn nguồn dược liệu, khai thác theo nhu cầu và cũng chủ động trồng tại vườn nhà những cây thuốc quý. Bà bộc bạch, nếu nói từng cây thuốc tên gì giờ có lẽ bà không còn đọc được tên nhưng chỉ cần nhìn hình dáng, ngửi mùi là bà có thể đọc được vanh vách thuốc đó chữa bệnh gì, kết hợp như nào để chữa bệnh.

Xứ sở dược liệu

Ông La Văn Đồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khâu Tinh là người gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất sơn cùng thủy tận. Ông Đồng kể, không có nơi nào nhiều dược liệu như Khâu Tinh, nơi đâu cũng nhiều thuốc, từ những loại đặc hữu như Hoàng tinh, Lan kim tuyến, Hoàng đằng, Giảo cổ lam… chỉ cần đi vào bìa rừng vài chục mét là có thể dễ dàng lấy được dược liệu.

Được thiên nhiên ban cho hệ động thực vật phong phú, Khâu Tinh mang trong mình một báu vật vô giá của đại ngàn. Theo thống kê, hiện toàn xã có trên 200 loại dược liệu đều là các bài thuốc quý, nhiều người dân còn chủ động trồng thêm các cây dược liệu ngay tại vườn nhà để chữa những bệnh thông thường về hô hấp, tiêu hóa tại gia đình, cũng là cách để giữ gìn và bảo tồn những loài thuốc quý, tiết kiệm được nhiều thời gian lên núi tìm hái cây thuốc.

Nấm ngọc cẩu mọc nhiều tại các cánh rừng Khâu Tinh (Na Hang).

Ông Chúc Văn Tiến, thôn Khau Tinh mới từ xã Sinh Long về định cư khoảng 5 năm nay. Là người được thừa hưởng nhiều bài thuốc nam cổ của người Dao, ông tỏ ra khá bất ngờ khi về vùng đất mới. Ông Tiến kể, ngày mới lên rừng, ông bị choáng ngợp bởi kho báu dược liệu phong phú tại mảnh đất xã Khâu Tinh, gần như vị thuốc nào cần đều có sẵn. Ông bật mí, người dân nơi đây đều ngầm quy ước chỉ khai thác theo nhu cầu, không khai thác ồ ạt và cũng không tận thu cây thuốc nếu không cần thiết.

Chúng tôi tìm đến anh Phùng Văn Vàng, Trưởng thôn Khau Phiêng, là người quen từ lâu, anh Vàng khá cởi mở khi được hỏi về những bài thuốc của người Dao tại địa phương. Anh ví dụ ngay ở chính bản thân, cách đây vài năm, anh mắc bệnh dạ dày nặng, cơ thể suy nhược dẫn đến cơ thể rất yếu, thế mà nhờ có 3 thang thuốc của bà Hoàng Thị Coi, bệnh của anh giảm hẳn, gần 2 năm nay không tái phát. Bà Coi còn chỉ cho anh cây thuốc, để anh tự trồng trong vườn nhà, chỉ anh cách kết hợp để chữa cả đau bụng, chữa hô hấp cho trẻ con trong những ngày giao mùa.

Giữa đại ngàn mênh mông màu xanh, hình ảnh người dân lên rừng hái thuốc có lẽ cũng khá quen thuộc. Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 người dân có thể bốc được những bài thuốc nam đơn giản. Trước khi chia tay, anh Dương Văn Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phia Phoong chia sẻ, ít nơi nào người dân có ý thức giữ rừng như nơi đây, ngoài việc ngầm quy ước về sử dụng cây thuốc hiệu quả, đúng yêu cầu, bà con đều có ý thức tái tạo nguồn cây. Đặc biệt, khi đi lấy thuốc người dân cũng là những người tuần rừng thực thụ, kịp thời hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết. Anh Cường dí dỏm, nhà báo đã được cùng “mục sở thị” quy trình lấy thuốc trên rừng, được xem cách chế biến mới thấy, nghề thuốc nam thật gian nan, vất vả chứ không hề giản đơn như suy nghĩ của nhiều người.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục