Suy giảm diện tích do chất lượng
Là người có nhiều tâm huyết với giống lê nâu tại xã Hồng Thái, Na Hang, chị Chẩu Thị Tiềm, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, giống lê nâu bản địa là loài cây quý, tuy nhiên do người dân chưa biết cách chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại nên chất lượng sản phẩm của quả lê chưa cao, quả bị thối do bị ruồi trích hút. Mặt khác người dân trồng để phục vụ gia đình, sản xuất bán ra thị trường rất thấp, không thấy hiệu quả kinh tế, do đó đã chặt phá trồng cây khác thay thế.
Theo khảo sát tại xã Hồng Thái, diện tích lê nâu đã giảm hiện chỉ còn 4,8 ha, đứng trước nguy cơ bị thay thế bằng các giống lê VH6, lê Lạng Sơn với năng suất cao hơn, nhưng hoa nhỏ, ngắn, không nở tập trung và không tạo được cảnh quan hấp dẫn. Đồng chí Chẩu Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ, lê nâu là giống cây bản địa, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng địa phương nhưng đang bị suy giảm diện tích.
Chị Chẩu Thị Tiềm, Chủ nhiệm đề tài.
Vì vậy việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất giống lê nâu bản địa tại huyện Na Hang” phù hợp với thực tế đặt ra. Khi khôi phục cây lê sẽ góp phần phát triển giống cây ăn quả bản địa quý, phát triển du lịch trên địa bàn. Ngay khi đề tài được triển khai, cán bộ khuyến nông, văn hóa xã cũng chủ động phối hợp cùng nhóm thực hiện tìm kiếm được một số cây lê có tuổi đời từ 10 - 15 năm có tính ưu việt để tiến hành thâm canh, tăng năng suất thử nghiệm.
Trong gần 3 năm thực hiện, nhóm đề tài thực hiện theo quy trình cụ thể, trong đó gồm 2 phần, phần 1 tác động vào số lê bản địa hiện có tại 11 hộ dân tại thôn Khau Tràng và thôn Nà Mụ; phần 2 trồng mới 3 ha cây lê theo hình thức ghép giống tại thôn Nà Mụ. Sau khi tuyển chọn được vườn lê của các gia đình tham gia thực hiện mô hình thâm canh với quy mô 3 ha, nhóm thực hiện đề tài mở lớp tập huấn, hướng dẫn người dân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Anh Đặng Xuân Cường, thôn Khâu Tràng cho biết, gia đình có 0,3 ha cây lê cổ đã gần 20 năm tuổi, được đánh giá có chất lượng tốt nhất so với mặt bằng chung. Được tham gia đề tài, gia đình anh cũng là hộ tiên phong thực hiện ứng dụng mô hình tưới nhỏ giọt, bón phân theo đúng quy trình và bẫy, bắt côn trùng bằng biện pháp sinh học. Vụ lê năm 2022, sau khi thu hoạch, qua kết quả phân tích cho thấy độ brix và hàm lượng nước cao hơn so với mọi năm, quả lê nặng, mẫu mã đẹp hơn.
Nhóm thực hiện đề tài.
Khi các hộ thu hoạch quả xong, nhóm đề tài cũng chủ động hướng dẫn các hộ vệ sinh vườn cây sau thu hoạch, cắt tỉa các cành vượt, cành sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi cây và cấp phát chế phẩm SEA để cải tạo đất và bón phân phục hồi sau khi thu hoạch quả. Đặc biệt, chuyển giao kỹ thuật cho Hợp tác xã Tân Hợp (Hồng Thái) một số giải pháp khoa học công nghệ trong quản lý sâu bệnh hại, chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán theo hướng sản xuất VietGap nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm quả lê phục vụ việc lập hồ sơ đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP.
Áp dụng thành công
Để nâng cao chất lượng giống lê nâu bản địa trong tương lai, đề tài cũng thực hiện sản xuất cây con bằng phương pháp ghép. Sử dụng cây lê chua chát (cây mắc cọp) làm gốc ghép và sử dụng cành ghép, mắt ghép của cây lê tuyển chọn trước đó và tiến hành nhân giống. Đến cuối năm 2023, sau gần 1 năm triển khai đã nhân thành công hơn 1.650 cây giống và tiến hành trồng tại 5 hộ gia đình thuộc thôn Nà Mụ.
Ông Triệu Văn Hai, thôn Nà Mụ bày tỏ, gia đình được cấp 325 cây giống lê ghép trồng trên diện tích 0,4 ha, theo đánh giá bước đầu, cây con đưa vào trồng đều có tính thích ứng cao, sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh và tốn ít công chăm sóc. Ông Hai phấn khởi, hiện nay lê bản địa có giá khoảng 25.000 đồng/kg, nếu thuận lợi, mỗi hecta cây lê sẽ mang lại nguồn thu khoảng 500 triệu đồng, đặc biệt mùa hoa sẽ thu hút đông khách du lịch đến với Hồng Thái trong tương lai.
Anh Đặng Xuân Cường, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) cùng sản phẩm lê nâu thâm canh của gia đình.
Cây lê là cây đặc trưng của vùng lạnh, cũng là điểm nhấn của xã Hồng Thái. Cây cho hoa đẹp, được du khách rất yêu thích nhưng năng suất quả thấp, lượng đường kém và hay gặp sâu bệnh nên thị trường không ưa chuộng. Ông Triệu Văn Chiều, Trưởng thôn Nà Mụ cho biết, khi ứng dụng trồng lê bản địa cho 5 hộ dân tại thôn, ban đầu nhiều hộ tỏ vẻ lo lắng về chất lượng của cây con.
Đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sống đạt 90%, cây lê ấm đất, ít mắc bệnh, dễ chăm sóc. Cán bộ thôn cũng chủ động kết hợp cùng nhóm thực hiện đề tài giúp người dân nắm vững được quy trình kỹ thuật trong sản xuất cây lê nâu, nếu thuận lợi sau trồng khoảng 8 năm cây sẽ cho quả và là nguồn tăng thu nhập cho các hộ tham gia trồng.
Theo đồng chí Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, đánh giá bước đầu, các cây lê con được đưa vào trồng đều thể hiện tính thích ứng cao, hiệu quả kinh tế giống cây tuyển chọn tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất đại trà. Thực hiện thành công đề tài cây lê nâu bằng xây dựng mô hình thâm canh 3 ha cây hiện có và trồng mới lê bằng chiết ghép đang là hướng đi đúng và trúng. Qua đó, trực tiếp nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm quả lê nâu trên thị trường, góp phần nâng hạng sản phẩm OCOP - Quả lê Khâu Tràng lên 4 sao; góp phần làm đẹp cảnh quan, phát triển du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết