Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng được bảo vệ nghiệm ngặt, ông Phùng Văn Minh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng chia sẻ, từ những năm 2000 trở về trước, rừng của thôn thường xuyên bị phá để làm nương và khai thác gỗ. Qua quá trình tuyên truyền bảo vệ rừng, nhất là giao đất giao rừng, nhân dân thôn Khau Phiêng không còn phá rừng làm nương, khai thác gỗ nữa, tích cực bảo vệ, chăm sóc rừng. Bây giờ, rừng của thôn đã giữ được nguồn nước mát quanh năm phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Cán bộ Trạm Kiểm lâm Khau Tinh tuyên truyền người dân thôn Khau Phiêng về bảo vệ rừng.
Thôn Khau Phiêng có 109 hộ, 101 nhân khẩu. Theo ông Nông Văn Huỳnh, từ ngày có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và trồng rau trái vụ, cuộc sống của bà con trong thôn đã ổn định hơn. Các công trình đường giao thông, tu sửa kênh mương hay các khoản đóng góp khác đều được trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con không phải bỏ tiền ra đóng góp. Ngoài ra, thôn đã xây dựng quy ước đưa nội dung bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng; tổ quản lý rừng của thôn phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân và định kỳ tổ chức phối hợp tuần rừng chung. 100% số hộ trong thôn ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng, việc giữ rừng đã trở thành phong trào được nhân rộng ở các hộ dân trong thôn.
Hiện nay toàn xã có 369 hộ với 1.706 nhân khẩu dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao... cùng sinh sống. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khau Tinh cho biết, để thực hiện hiệu quả việc giữ rừng, UBND xã chỉ đạo 4/4 thôn thành lập đội cơ động xung kích, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng phối hợp với nhân dân tham gia chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Sự tham gia của người dân vào các đội cơ động xung kích thực sự là “tai mắt” của các cơ quan chức năng bảo vệ tài nguyên rừng trước nguy cơ rừng bị chặt phá bởi lâm tặc.
Hiện Trạm Kiểm lâm Khau Tinh quản lý trên 12.000 ha rừng gỗ nghiến và gỗ trai. Đồng chí Bàn Thái Tân, Trưởng trạm phấn khởi nói, rừng ở Khau Tinh hiện nay đang được chăm sóc, bảo vệ hiệu quả. Nhân dân luôn ý thức được những lợi ích khi bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm trong việc giữ rừng. Cán bộ trạm thường xuyên về tận thôn, bản tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, hướng dẫn công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cho bà con, nhờ đó ý thức bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên, coi rừng là “lá phổi” của mình. Những đối tượng có biểu hiện thiếu hợp tác trong việc giữ rừng được cán bộ trạm gặp gỡ trực tiếp để giáo dục thực hiện nghiêm túc.
Gửi phản hồi
In bài viết