Tìm đầu ra cho sản phẩm chè trong mùa dịch

- Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, chè là nông sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 khi thị trường bị đứt gãy, giá cước tăng cao, giá chè xuống thấp, tiêu thụ chậm. Hiện, người dân và các doanh nghiệp đang phải “căng mình” tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) hiện có gần 20 ha chè. Hiện tại, hợp tác xã chế biến thành các loại chè đặc sản như chè xanh, trà hữu cơ, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng... Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long cho biết, 3 tháng đầu năm 2021, hợp tác xã đã bán được hơn 0,7 tấn chè đặc sản. Tháng 4-2021, dịch bệnh bùng phát nên việc tiêu thụ chè của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Để duy trì sản xuất, hợp tác xã đã chuyển từ sản xuất chè đặc sản sang chè thông thường, chấp nhận lãi thấp. Hiện giá bán sản phẩm chè thông thường là 70.000 -80.000 đồng/kg (thấp hơn chè đặc sản 150.000 - 170.000 đồng/kg) nhưng giúp người dân giảm chi phí sản xuất, giảm công thu hoạch, sản phẩm tiêu thụ dễ hơn và có vốn quay vòng sản xuất. 

Dây chuyền chế biến chè đen theo công nghệ tiên tiến (CTC) của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Anh: K.T

Tình hình tiêu thụ tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao. Ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như Châu Âu, Mỹ, Anh... chưa thể thông quan trở lại, hiện công ty còn khoảng 80 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo bao tiêu chè búp tươi như đã ký kết với người dân nên số chè tồn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.

Chia sẻ thêm về những khó khăn đang phải đối mặt, ông Văn cho biết: Nếu tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè. Do vậy, để đảm bảo chất lượng chè, các khâu sản xuất, đóng gói phải làm kỹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất kéo dài hơn khiến các chi phí gia tăng, trong khi sản phẩm chè thời điểm hiện tại công ty đang xuất bán với giá 3.700 - 4.000 đồng/kg (thấp hơn năm trước 10 - 20%). Để duy trì vùng nguyên liệu hơn 430 ha và ổn định sản xuất, đơn vị tập trung vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu ổn định để khi dịch bệnh được khống chế, thị trường được khơi thông sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đồng thời, đơn vị cũng lên kế hoạch sản xuất chè xanh đặc sản nội tiêu trong tỉnh và trong nước, hy vọng cuối năm sẽ có thể đưa sản phẩm chè nội tiêu ra thị trường.

Còn tại Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương), sản phẩm trà Thành Long đang có thị trường tiêu thụ chính là các nước Trung Đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Ông Nguyễn Trác Long, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cho biết, ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường xuất khẩu chè truyền thống như Pakistan, Afghanistan bị “đóng băng”, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn của đơn vị. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ngoài các chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh và các ngân hàng, như giãn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng... đơn vị hiện cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa, sang các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện toàn tỉnh có 8.468 ha chè, trong đó hơn 7.900 ha chè đã thu hoạch. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang tạm thời đóng băng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh đang tồn gần 3.000 tấn. 

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để ổn định sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp xác định tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích lâu dài của cây chè; vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, hiệp hội chè; đẩy mạnh việc liên hệ với các khách hàng truyền thống, tìm kiếm thêm đối tác mới để thúc đẩy việc tiêu thụ; tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư thâm canh, chế biến chè để nâng cao sản lượng và chất lượng chè theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ...

Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay.

Lý Thu 

Tin cùng chuyên mục