Đợt dịch thứ tư bùng phát, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng phải tạm dừng công tác đào tạo, công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Đầu tháng 6, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các cơ sở đào tạo nghề bắt tay ngay vào kế hoạch đào tạo nhưng luôn đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang dành 1 phần cơ sở vật chất là phòng y tế và khu ký túc xá của nhà trường làm điểm cách ly tập trung của tỉnh, học viên các lớp đào tạo nghề phải tạm dừng đến trường. Đến hết tháng 5, thu học phí các lớp cao đẳng, trung cấp mới đạt 22% kế hoạch; thu dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, mô tô mới đạt 7% kế hoạch... Đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm hoàn thành mục tiêu tuyển sinh năm học 2021 - 2022, nhà trường đã cử bộ phận tuyển sinh đến các trường THCS, THPT và các xã để tư vấn tuyển sinh, tận dụng mạng xã hội để tăng cường giới thiệu ngành, nghề đào tạo ở nhà trường. Sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, học viên 1 số lớp đào tạo nghề đã trở lại trường học tập. Để đảm bảo công tác đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo, thành lập các tổ biên soạn giáo trình các môn học, mô đun.
Lớp đào tạo nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương tổ chức.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện, tiến độ dạy nghề, tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng, việc tổ chức cho học viên đi thực hành, thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở không thực hiện được. Đồng chí Trần Văn Bút, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đào tạo nghề, đến nay chưa triển khai được lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyển sinh trung cấp nghề được hơn 90%. Đối với các lớp đào tạo nghề theo hệ vừa học văn hóa kết hợp học nghề sẽ tốt nghiệp trong năm nay, trường đã linh hoạt điều chỉnh giáo trình, thời gian dạy học vừa đảm bảo phòng chống dịch và chất lượng học viên khi ra trường.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương có 250 học viên lớp đào tạo nghề kết hợp học văn hóa đã tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm đạt hơn 90%. Em Hoàng Trung Tiến nhà ở thị trấn Sơn Dương cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc học nghề có lúc bị gián đoạn, song trung tâm đã điều chỉnh lịch học phù hợp giúp chúng em tốt nghiệp theo đúng thời gian. Sau khi học xong nghề điện công nghiệp, em đã được Công ty TNHH KCI Vina ở Khu Công nghiệp Bình Xuyên II (Vĩnh Phúc) đón về làm việc với mức lương ổn định từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Em thấy học nghề kết hợp học văn hóa là đúng đắn vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí học tập mà khi ra trường dễ xin được việc làm ngay.
Công tác tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp do các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tại các trường THCS, THPT hoặc tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh góp phần phân luồng, hướng nghiệp trong học sinh phổ thông. Em Thào Thị Danh, dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) vừa học xong lớp 9, đã nộp hồ sơ đăng ký theo học ngành Chăn nuôi thú y, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Danh cho biết, hoàn cảnh gia đình em khó khăn, trong khi đi học nghề em sẽ được miễn giảm 100% học phí, hỗ trợ tiền sinh hoạt, chính sách học bổng... Học xong em sẽ có bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề để xin đi làm ngay, có thu nhập giúp đỡ gia đình.
Năm 2021, toàn tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề cho 8.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 62,5%. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch dạy nghề, đẩy mạnh công tác tuyển sinh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ đào tạo nghề đang bị chậm so với kế hoạch. Do vậy, trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa đào tạo nghề hiệu quả”, các cơ sở đào tạo nghề tiến hành điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó mạnh dạn thử nghiệm các chương trình đào tạo nghề từ xa, sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tham gia vào công tác đào tạo nghề… Từ đó góp phần bổ trợ, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết