Chuyển đổi từ tư duy

- Khi nhiều thanh niên vẫn còn lơ mơ về “số hóa” và “chuyển đổi số”, thì bà, một người sinh ra từ những năm đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (năm 1950) đã nhoay nhoáy chiếc điện thoại smartphone với những thao tác trả tiền điện, tiền nước rồi xem các thông tin trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội. Ở nhà, chồng bà thường ví bà là người “ngoài hành tinh” được gửi đến trái đất.

Xét ra thì đúng như vậy, bởi đến nay bà là một trong số ít người cao tuổi mà cả quãng đời trước đây chỉ loanh quanh với công việc nội trợ và chăm sóc 3 đứa con. Bà vẫn đam mê công nghệ và hàng ngày có thể theo đuổi những thứ được coi là phát minh mới của nhân loại. Bà bảo với ông: “Ngày trước đạp xe hàng cây số mới nộp được tiền điện, giờ chỉ cần ở nhà cầm cái điện thoại, “phút mốt” là xong, vậy chả nhàn hơn à!”.

Tìm hiểu về sự ra đời của động cơ hơi nước từ thế kỷ 18, thấy nó là phát minh vĩ đại dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Quá trình này đã thúc đẩy khả năng cơ giới hóa sản xuất, giải phóng cơ bản sức lao động của con người. Điện năng và các tiến bộ khoa học khác là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, đánh dấu thêm bước ngoặt sự tiến bộ của loài người. Sự phát triển của máy tính và công nghệ kỹ thuật số vào những năm 1960 là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay người ta vẫn gọi là công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, dựa cơ bản vào nền tảng các cuộc cách mạng trước với sự hỗ trợ đắc lực của internet. Từ việc số hóa tất yếu dẫn đến công cuộc chuyển đổi số, giúp thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và trong các lĩnh vực khác của xã hội...

Nhưng dù tiến bộ đến đâu, phát minh có vĩ đại đến đâu, vẫn cần thay đổi của toàn bộ tư duy con người để chấp nhận nó, vận dụng nó phục vụ chính bản thân.

Khoảng những năm 1995, khi mà máy tính và internet đã khá phổ biến ở Việt Nam, việc nhập - xuất dữ liệu, nhất là sản xuất văn bản đã giúp những người làm bàn giấy trút bỏ được gánh nặng bút mực. Việc trao đổi dữ liệu qua đĩa mềm, USB, Yahoo hay Gmail là một thứ xa xỉ mà nhiều người lúc ấy không mường tượng nổi.

Tôi còn nhớ một đồng nghiệp già, khi ấy tôi mới vào cơ quan nhà nước, ông không thể sử dụng máy tính vì nó “đổ bộ” vào quá nhanh. Ông bảo “cũng chẳng cần”, vì sắp hết đời làm việc ông vẫn chỉ dùng giấy với bút. Vậy là hàng ngày ông vẫn phải tay thước, tay bút bằng lòng kẻ lên trang A4 những dòng kẻ run rẩy, như chấp nhận tính thủ cựu của mình.

Nhưng cũng có đồng nghiệp già khác, già hơn người đồng nghiệp này, hàng ngày ông vẫn ngó nghiêng xem cái “vi tính” nó là cái gì mà lại thông minh đến thế! Nhập dữ liệu vào một lần mà có thể nhân bản, chuyển đổi qua loại dữ liệu khác. Chính vì thế mà sau khi về hưu, ông vẫn tự mình viết ra những bản nhạc, những bản phối khí, thậm chí những đĩa CD, DVD, và tất nhiên nó không làm bằng giấy và bút mực.

Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Vậy “số hóa” là một bước đệm cho “chuyển đổi số”, con người vẫn đóng vai trò trung tâm.

Chuyển đổi số phải là quá trình chuyển đổi tư duy, nhận thức, cách sống, cách làm việc dựa trên công nghệ số. Và nếu không thể thay đổi tư duy thì nó sẽ là rào cản lớn nhất.

Việt Hòa

Tin cùng chuyên mục