Cũng là thiết thực

- Status của đồng nghiệp tôi ở Sài Gòn đăng video anh ấy ôm ghi ta hát Bài ca hy vọng làm tôi buồn vui lẫn lộn. Vui thì đã hẳn, vì thấy bạn vẫn bình an, tâm trạng tốt. Nhưng Sài Gòn đang như người mệt nặng. Thống kê ca nhiễm co vid 19 nhảy từ 3 con số lên 4 con số mỗi ngày. Ca tử vong cũng đã lên 2 con số. Dịch bệnh với chủng biến thể nguy hiểm đã xâm nhập vào bệnh viện, ngân hàng, nhà máy, xí nghiệp. Đầu tàu kinh tế của cả nước đang kéo cả nền kinh tế nước nhà bỗng như có cú phanh gấp. Không buồn sao được.

Giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 16- nói thì dễ. Với người có nhà cửa, chỗ ở ổn định thì đã khó. Với người đến Sài Gòn mưu sinh, khi không có việc làm, mà vẫn phải trả tiền thuê nhà, họ chỉ còn cách nhanh chóng về quê. Nhưng việc phòng dịch khiến đường về thêm khó. Rồi còn bao nhiêu hệ lụy. ..

Tiếp sau Sài Gòn, là Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang...Liên tiếp các tỉnh miền Nam thực hiện giãn cách, nơi theo chỉ thị 15, nơi theo 16. Đã có vị Chủ tịch một tỉnh gửi tâm thư cho nhân dân ngày bắt đầu giãn cách, bày tỏ niềm tin vững chắc rằng khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, và mong bà con ở những khu vực đã, đang và sẽ áp dụng quy định giãn cách, phong tỏa cảm thông, chia sẻ, chấp nhận khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định để sớm kiểm soát, khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.

Nên nhìn bạn tôi hát Bài ca hy vọng, tôi cũng cháy bỏng hy vọng. Và nghĩ tất cả người dân Sài Gòn, người dân cả nước cũng đang hy vọng sớm đến ngày kiểm soát dịch bệnh.

Hôm thứ Bảy vừa qua, Chính phủ đã phát động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thì vắc xin chính là biện pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để  phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nước ta đã có trên 100 triệu liều vaccin được cam kết viện trợ, ký hợp đồng mua trong năm nay. Điều cảm động là tình người sâu sắc, sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau, khi nhiều người chia sẻ cơ hội tiếp cận vắc xin cho những người có nguy cơ hơn, cho những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn. Tháng trước, những lô vắc xin nhận về đã ưu tiên cho công nhân vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang thì hôm qua đã có hơn 1,5 triệu liều được ưu tiên cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Cùng với vaccin, cả nước đang hướng về Sài Gòn và những địa phương có diễn biến dịch phức tạp ở miền Nam với nhiều hoạt động thiết thực, sinh động. Nghĩa đồng bào lại đang thấm đẫm suốt chiều dài mảnh đất hình chữ S, lan cả sang những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thế nên những kích động, chia rẽ đầy lạc lõng của ai đó về chuyện các sinh viên Hải Dương chi viện Sài Gòn chống dịch khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử phạt. Thế nên cơn bão mạng khi thiếu kiểm chứng về câu chuyện 26 người từ TP Hồ Chí Minh về Huế trở nên vô cùng nghiệt ngã, như xát muối vào vết thương đang bỏng rát. Cả những statut thông báo đã được tiêm vaccin để chứng tỏ hơn người cũng trở nên vô tâm, phù phiếm. Hướng về vùng dịch, thể hiện nghĩa đồng bào không chỉ là đóng góp bằng tiền hay vật chất. Những lúc dịch bệnh phức tạp, xã hội dễ tổn thương nhất như bây giờ, cách đóng góp bằng ý thức là thiết thực đầu tiên.

Có một con số được ngành y và các phương tiện truyền thông luôn ưu tiên hàng ngày, hàng giờ là số ca nhiễm Covid-19. Cũng đúng, bởi nó khiến người dân hiểu dịch bệnh đang ngày một phức tạp hơn. Nhưng có con số khác quan trọng hơn là chi phí xét nghiệm PCR. Nếu mỗi ngày có hàng triệu ca xét nghiệm  PCR với giá hiện tại 734.000/người thì chi phí là không nhỏ, chưa kể biết bao công sức truy vết, cách ly, lấy mẫu...

Từ hồi làn sóng dịch lần thứ 3, báo chí đã dẫn lời một số chuyên gia đưa ra một con số khác mà không nhiều người để ý. Rằng chỉ có trên 80% bệnh nhân mắc covid 19 sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Thậm chí một số trường hợp không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào. Chỉ 14% người bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Ở Bắc Giang vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc covid 19 sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần thống kê được là 94%.

Vì vậy, đã có người so sánh kết quả chống dịch, công sức “điều trị” tất cả các ca nhiễm dương tính hiện nay (với hơn 90% ca không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ) với số tiền và công sức bỏ ra để truy vết, cách ly…, rồi nêu câu hỏi: Nên suy nghĩ gì về những con số này?

Có lẽ thay vì chỉ quan tâm đến những con số về ca nhiễm mới, thì chúng ta cũng nên quan tâm đến những con số chi phí đang phải trả dần khổng lồ hơn mỗi ngày. Và mỗi cá nhân nếu chưa có điều kiện để đóng góp bằng tiền hay vật chất vào công cuộc chống dịch đầy cam go và tốn kém, thì đóng góp bằng ý thức cũng là thiết thực và rất quý.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục