Đường đến thành phố

- Đầu xuân mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 1 ngày lên thăm và làm việc tại Tuyên Quang tham dự các sự kiện quan trọng của tỉnh. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sức bứt phá của thành phố và tỉnh Tuyên Quang trong 10 năm qua.

Thủ tướng nói: “10 năm trước tôi lên trao quyết định thị xã Tuyên Quang là đô thị loại III thấy thành phố còn nhỏ, đường bé, ít ô tô. Nhưng nay thì khác nhiều quá, đường đến thành phố rộng rãi, có rất nhiều xe hơi, điều này cho thấy người dân Tuyên Quang đã giàu có hơn và tôi tin sẽ giàu có hơn nữa khi thành phố được công nhận là đô thị loại II và sau này có đường cao tốc, kết nối Tuyên Quang với các thành phố lớn gần hơn”.

Lời Thủ tướng nói là cả quá trình sâu sát thực tiễn và tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ dành cho người dân quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử. Quan sát qua từng con phố thấy điều Thủ tướng nói thật đúng và càng tự hào hơn về sự vươn mình của thành phố trẻ.

 Năm 2010, khi thị xã mới lên thành phố như mặc chiếc áo rộng thùng thình thì nay chiếc áo đã vừa vặn hơn và nhiều con phố, con đường đã bị chật chội bởi nườm nượp xe hơi đủ loại. Phố nhà tôi ở ngày trước có lẽ là nghèo nhất thành phố này. Người phố tôi khi đó đều ở các miền quê chuyển đến, cơ bản là nghèo nên chả nhà nào xây nổi căn nhà khang trang. Con đường thì vẫn rậm rạp lau lách, có cả các loài rau rừng mà ở quê tôi vẫn lượm về nấu cám cho lợn ăn. Cả phố vẫn nuôi lợn thịt, lợn nái và trồng chuối làm thức ăn.

Thế mà mới hơn chục năm giờ phố nối phố, ô tô, xe máy nườm nượp, có đoạn qua ngã ba đèn xanh đèn đỏ xe con nối dài đến vài chục mét. Ô tô nườm nượp trên từng con phố, nhiều đoạn bị tắc cục bộ lúc mật độ giao thông cao điểm. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây quả là bước phát triển như một kỳ tích, nhưng vấn đề lại phải đặt ra là quy hoạch phát triển giao thông để hạ tầng phát triển kịp với nhu cầu xã hội. Chị bạn tôi làm ở cơ quan công an tiết lộ, toàn thành phố hiện có khoảng 90 nghìn xe con. Số lượng xe ô tô phát triển mạnh trong dăm bảy năm trở lại đây và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nếu giao thông không được quy hoạch đồng bộ, đến một ngày nào đó, thành phố sẽ không còn chỗ đỗ xe, tắc đường là điều khó tránh khỏi.

Dấu hiệu tắc đường do nhiều xe ô tô nhìn ở góc độ tích cực là sự phát triển vượt bậc trong hành trình chúng ta vươn tới. Nhưng để xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh như điều Thủ tướng Chính phủ mong muốn cũng là giao nhiệm vụ cho Tuyên Quang thì không thể để xảy ra tắc đường. Phía trước của đô thị loại II là hành trình mới, trong đó có quy hoạch không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại với hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, không có tắc đường, để những yếu tố này trở thành động lực, khâu đột phá cho sự phát triển, bảo đảm cho 10 năm nữa thành phố tiếp tục vươn mình là đô thị loại I. Đó mới thực sự là nét riêng nổi bật, mang tính bản sắc của thành phố trẻ để trở thành điểm đến, nơi đáng sống của mỗi người…

Thành Công

Tin cùng chuyên mục