Tết bình thường mới

- Giao thừa chuyển giao năm Canh Tý sang năm mới Tân Sửu, tôi nhận được điện thoại video chúc tết từ Hàn Quốc. Rồi chúng tôi tiếp tục cách chúc tết như thế đến nhà mẹ, nhà các em, các bạn bè thân thiết sang cả ngày mùng 1, mùng 2... Sự trống trải khi nhà có người vắng nhà ngày tết dần trở nên quen hơn. Sự thiếu vắng màn pháo hoa rực rỡ mỗi đêm giao thừa bỗng trở thành không đáng kể. Khuyến cáo không tụ tập đông người và thực hiện các nội dung trong thông điệp 5 K trở nên thường nhật trong mỗi người. Đó chính là tết bình thường mới.

Nhớ lại những ngày giáp Tết, thông tin về ca bệnh co vid 19 đầu tiên ở Hải Dương và dồn dập những ca tiếp theo ở các tỉnh khiến ai nấy đều lo lắng. Rồi tất cả hệ thống phòng chống dịch đều kích hoạt ở mức cao nhất. Tết cứ vô tư đến làm người ta không có thời gian mà ngồi lo lắng. Tuân thủ thông điệp 5 K, hạn chế tụ tập, thêm việc đề cao cảnh giác, nỗ lực phát hiện, thông báo cho nhà chức trách về các trường hợp có liên quan đến vùng dịch. Lượng người về từ Hà Nội và các tỉnh đông dồn dập. Lực lượng chức năng làm việc gấp nhiều lần công suất để khoanh vùng, để giữ cho cái Tết bình yên. Đó chính là Tết bình thường mới.

Chợ tết ai cũng khẩu trang cẩn thận. Trang phục ngày tết đẹp đẽ chỉn chu đều có khẩu trang, dù nhiều chị em đã chuẩn bị đón tết bằng những làn môi xinh hơn ngày thường. Chiếc khẩu trang ngày tết làm tôi nhớ một chiều 30 tết đã lâu. Mẹ tôi đi chợ về mua được một ít bát đĩa mới. Thằng em tôi 3 tuổi ngồi xếp bát đĩa như chơi đồ hàng, không may ngã vào chậu nước lá mùi vừa đun bên cạnh. Cả nhà phải ăn tết ở bệnh viện. Ai cũng khẩu trang, sát khuẩn liên tục. Em tôi bỏng độ 3, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Bác sỹ dặn cần hết sức vô trùng cho bệnh nhân và cả buồng bệnh. Nhìn em nằm cuốn băng trắng toát và sự lo âu của bố mẹ, tôi 5 tuổi lúc nào cũng khẩu trang và rón rén hết mức có thể để giữ vệ sinh phòng bệnh cho em. Hình ảnh khẩu trang theo suốt tâm trí tôi từ cái tết đầy khó khăn bất thường đó.

Từng có "tết khẩu trang" lúc 5 tuổi, nên tôi hay theo dõi tin tức về các em bé trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) và ở Chí Linh Hải Dương đang phải cách ly. Hình ảnh các bé đeo ba lô hành lý đi cách ly lúc nửa đêm hoặc tập thể dục cùng cô giáo nơi cách ly khiến người ta mủi lòng. Riêng tôi thấy thêm sự cảm phục. Cảm phục những cô trò chấp nhận tết ở nơi cách ly; cảm phục cả những gia đình trẻ chấp nhận một tết không sum họp với các con còn quá nhỏ để giữ yên ổn cho cộng đồng.

Hơn cả sự cảm phục, là sự biết ơn những người làm nhiệm vụ chống dịch đang ngày đêm nơi tuyến đầu. Ra di ô phát những đoạn ghi âm gia đình bác sỹ hỏi thăm nhau khi mỗi người đều đang ở nơi chống dịch, con nhỏ ở nhà gửi ông bà khiến tôi thấy vô cùng biết ơn họ. Và càng hiểu rõ cần vui tết bình thường mới cho đúng cách.

Mấy ngày trước tết Tân Sửu, tôi nhận được tấm ảnh gửi về từ Hàn Quốc mà lòng thắc mắc: sao đội có 3 sinh viên Việt Nam mà chỉ có 2 người được giáo sư mời đến nhà chơi. Thì ra 2 sinh viên cùng với vợ chồng giáo sư là 4, đúng số người tối đa được tụ tập theo quy định. Giáo sư sẽ mời bạn còn lại vào buổi khác, thực hiện đúng quy định phòng dịch của Chính phủ. Những du học sinh Việt Nam ở lại đó năm nay cũng không tụ tập gói bánh chưng đón tết như mọi khi. Họ cùng chúc tết online, đi chùa để nhớ về quê hương. Đó cũng tết bình thường mới.

Tết năm trước ta còn thấy dịch ở tận Vũ Hán. Tết năm nay dịch đã hiển hiện khắp thế giới. Nên chấp nhận một cái tết bình thường mới là một ứng xử không thể khác, để an toàn cho ta, cho cộng đồng; để không uổng công lao, tâm sức của biết bao người và cả cộng đồng đang phòng chống dịch. Để mọi người, mọi nhà hiện thực được những ước vọng mùa xuân.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục