Trong tháng Giêng, xứ Tuyên đã tưng bừng với hoạt động lễ hội như: Lễ hội cầu mùa Tân Trào, xã Tân Trào, Lễ hội truyền thống đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), Lễ hội Động Tiên - Chợ quê Hàm Yên... Các lễ hội được tổ chức đáp ứng tốt nhu cầu du xuân của nhân dân sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế.
Ở các lễ hội đầu xuân diễn ra trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an chủ động phân luồng, điều tiết giao thông từ xa để giảm ùn tắc, giảm các vụ việc gây mất ANTT.
Cùng với đó, nhiều điểm tâm linh như: Chùa An Vinh, Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (TP Tuyên Quang), đền Bắc Mục, đền Thác Cái (Hàm Yên)… thu hút đông đảo du khách đến vãn cảnh, đi lễ cầu an, cầu phúc dịp đầu xuân. Đây là tín hiệu khởi sắc của ngành du lịch nhưng cũng đặt ra yêu cầu, thách thức lớn đối với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT. Theo nhận định của Công an tỉnh, việc đông đảo nhân dân và du khách tham gia các lễ hội, điểm tâm linh sẽ là dịp để đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm pháp như: Trộm cắp, lừa đảo, tệ nạn đánh bạc trá hình, gây rối trật tự công cộng...
Đại tá Chu Quang Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, công tác đảm bảo ANTT các lễ hội đầu xuân đã được lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm để mùa lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, lành mạnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Công an toàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai những phương án bảo đảm ANTT tại các lễ hội. Dịp trước Tết, Công an tỉnh đã mở và triển khai hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đã góp phần làm “trong sạch địa bàn” tạo điều kiện để nhân dân, du khách thập phương du xuân an toàn.
Bám sát chỉ đạo của Công an tỉnh, các đơn vị công an cấp huyện, cấp xã có hoạt động lễ hội đều đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai đồng bộ những giải pháp bảo đảm ANTT tại các lễ hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia lễ hội. Lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt phối hợp cùng các lực lượng khác tuần tra phòng ngừa trộm cắp, cướp giật, bán hàng cấm và những hành vi sai trái khác tại các lễ hội.
Bên cạnh đó, Công an cấp xã còn phối hợp với Ban Quản lý các di tích, đền, chùa tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân đề cao ý thức trách nhiệm bảo quản tài sản, thực hiện ứng xử văn minh khi tham gia các hoạt động lễ hội và nơi công cộng. Đồng thời, tăng cường tuần tra, nhất là ban đêm và sẵn sàng bố trí thêm cán bộ chiến sỹ hỗ trợ Ban Quản lý các di tích, đền, chùa đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ… Nhờ đó, tình hình ANTT tại các lễ hội và các điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh được bảo đảm.
Trong ngày 30 và 31-1, tại thôn 13, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã diễn ra Lễ hội Đình Làng Giếng Tanh với nhiều hoạt động đặc sắc thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia. Anh Bàn Văn Thân, thị trấn Yên Sơn bày tỏ sự hài lòng, tuy có rất đông người tham gia nhưng Lễ hội Đình Làng Giếng Tanh diễn ra trật tự an toàn, người đi chơi hội không lo bị móc túi hoặc bị chèo kéo tham gia những trò chơi cờ bạc trá hình… Ban Tổ chức thường xuyên thông báo trên loa khuyến cáo du khách đề cao ý thức tự bảo quản tài sản, tố giác những hành vi sai trái nếu có và phụ huynh luôn để ý tới con trẻ để không bị lạc.
Đại úy Đào Bình An, Phó trưởng Công an xã Kim Phú cho biết, trong hai ngày diễn ra lễ hội, Công an xã đã chủ trì phối hợp với lực lượng dân quân, công an viên duy trì tuần tra khép kín nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi gây mất ANTT như: Đánh nhau, tranh giành, chèo kéo du khách, tệ nạn đánh bạc dưới mọi hình thức… góp phần tạo nên lễ hội an toàn, tạo ấn tượng đẹp với nhân dân và du khách.
Với việc chủ động và làm tốt công tác bảo đảm ANTT, Công an toàn tỉnh đã, đang góp phần tạo nên mùa lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023 diễn ra an toàn, góp phần quảng bá về mảnh đất, con người xứ Tuyên an toàn, thân thiện.
Gửi phản hồi
In bài viết