Gương sáng Bản Lằn

- Chúng tôi có mặt tại thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) lúc trời vừa hửng sáng. Thôn hiện ra vắt vẻo theo triền dốc trên đường Quốc lộ 279. Người ta bảo Bản Lằn khó lắm, cứ lưng chừng, không cao cũng chẳng thấp. Ở đó vẫn có một “già làng” gương mẫu đi đầu, kéo người dân từng bước thoát khỏi bể đói, vũng nghèo đeo bám.

Dám làm, dám nhận thất bại

Ông Hà Văn Đồ, người có uy tín trong thôn Bản Lằn được người dân giới thiệu gọn trong 3 chữ “dám đương đầu”. Ông kể, gần 20 năm trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông ý chí sắt đá của người lính, việc khó mình phải làm trước thì mới xứng danh “anh bộ đội Cụ Hồ”.

Năm 1993 ông trở về địa phương, một năm sau đó được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Bản Lằn có 35 hộ dân người Tày sinh sống, kinh tế “đứt bữa” là chuyện hết sức bình thường. Người dân quanh năm gắn liền với cây lúa, hạt ngô, giống lúa Đoàn kết, Nông nghiệp 8 dẫu được bà con chăm sóc kỹ lưỡng bao nhiêu, nhưng năng suất vẫn thấp, chẳng đủ làm ấm cái bụng,  nhiều người chán nản đã muốn bỏ làng đi nơi khác.

 Ông Hà Văn Đồ phổ biến quy định mới về khai thác rừng trồng với người dân.

Năm 1994, khi chính quyền mang cho dân Bản Lằn giống ngô mới Bioxit và lúa lai, tâm lý e dè hiện hữu khắp làng trên xóm dưới, ai cũng sợ, thất bại rồi đói lại càng thêm đói. Ông Đồ với vai trò là Trưởng thôn, cộng với tinh thần người lính, ông tự trồng thử nghiệm 400 m2 ngô và trên 3 sào lúa lai. “Thú thật lúc đó nhà mình cũng nghèo, cũng lo lắm, nhưng Nhà nước cho chắc chắn là tốt nên cố gắng làm, tuy có bị rệp, đạo ôn, rầy phá hoại nhưng năm đó năng suất lúa, ngô của gia đình vẫn cao hơn 1,5 đến 2 lần so với giống bản địa”. 

Năm đó cây giống cũ mất mùa, cả thôn có nhiều hộ bị đói lúc giáp hạt. Ông phát động phong trào “giúp nhau cho vay, năm sau thu hoạch sẽ hoàn trả”, năm đó quá nửa người dân Bản Lằn đến nhờ ông Đồ giúp đỡ. Chính nhờ cách này, mà người dân tự xóa bỏ tập quán cũ, quyết tâm nghe ông làm các giống lúa, ngô mới để đuổi cái đói.

Trông chờ vào nông nghiệp thì kinh tế mãi dậm chân, ông Đồ tâm niệm như vậy, ông là người đầu tiên trong thôn hướng đến chăn nuôi. Năm 1995, ông khởi xướng phong trào nuôi lợn, nuôi gà quy mô nhỏ cho các hộ gia đình. Ông kể, ngày xưa làm kinh tế đâu có dễ như bây giờ, cũng bị dịch bệnh cướp đi gần như toàn bộ vốn liếng nhưng với khí chất “dám đương đầu” ông vẫn quyết tâm làm, tự học cách phòng bệnh, thay đổi cung cách chăn nuôi. Sau 2 năm nuôi lợn, gà ông đã có vốn mua trâu về nuôi sinh sản, đến năm 2010, nhà ông Đồ có 5 con trâu nái, năm nào cũng có nghé con, nhân dân nể ông lắm. Chỉ tay lên bức ảnh gia đình, ông dõng dạc, nhờ đàn trâu tôi nuôi được 3 anh con trai học cao đẳng, hiện nay ai cũng có công việc ổn định.

Sôi nổi các phong trào

Năm 2000 ông Đồ được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Phú, rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho đến nay, công việc đoàn thể tuy nhiều nhưng ông vẫn không quên nhiệm vụ là người chỉ lối cho người dân Bản Lằn vươn lên.

Năm 2000, toàn thôn Bản Lằn có đến hơn 100 con trâu, số lượng gần như nhiều nhất xã, lúc đó tưởng chừng người dân sẽ gắn bó với chăn nuôi ấy thế mà “củ mài ăn xuống”, đàn trâu cứ dần hao hụt do tập quán du canh, du cư của bà con. Ông nhớ mãi năm 2004, toàn thôn xáo trộn nhân khẩu bởi người đến, người đi. Ông Phùng Thừa Quang là người như vậy, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, vợ mất sớm, một mình gồng gánh nuôi 3 người con, gia đình ông “năm lần bẩy lượt” chuyển chỗ ở khiến cho việc quản lý nhân khẩu của thôn vô cùng khó khăn. Khuyên bảo mãi không nghe, ông Đồ phải dùng biện pháp răn đe, buộc gia đình ông Quang chọn một thửa đất để định cư. Nhớ lại ngày đó ông Quang chia sẻ, đến nay gia đình đã thoát nghèo, các con đã trưởng thành đi làm công ty và có cuộc sống ổn định, ngày đó cứ nghĩ di cư để tốt hơn nhưng không phải, đã khó càng khó hơn.

Lò đốt rác của ông Đồ tự tay thiết kế có công suất đốt trên 100 kg rác mỗi giờ không khói và đốt triệt để.

Ngày đó nhìn đất đồi để hoang hóa không khỏi xót xa, tại sao mình không vận động nhân dân trồng rừng để làm kinh tế, năm 2010, ông Đồ đi từng nhà, vận động từ người trồng rừng thay đổi tập quán sản xuất, người ta cứ ậm ừ cho qua chuyện bởi tính ỳ đã ăn sâu vào tâm trí. Ông cải tạo đất trồng 1,5 ha cây mỡ, cây hợp thổ nhưỡng lớn nhanh, ông tự biến cánh rừng của gia đình thành nơi cho nhân dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, thấy ông làm được người dân nghe theo, đến năm 2014 toàn thôn Bản Lằn có trên 90 ha đất đồi được bao phủ bởi cây mỡ xanh rì.

Với vai trò là người uy tín trong thôn, năm 2021, khi có chủ trương nói không với rác thải nhựa, cả thôn loay hoay không biết làm cách nào xử lý triệt để túi ni lông, sau nhiều đêm trăn trở, ông Đồ tự mình thiết kế và xây dựng lò đốt rác thủ công 2 ngăn chiều cao hơn 2 m, có sức đốt trên 100 kg rác thải mỗi giờ, ông bảo, mình làm cái lò rác tại gia đình đúng đợt tháng 8 mùa mưa, tự tay vận chuyển vật liệu, tự tay xây dựng nhân dân trong thôn ai cũng tò mò nhưng không ai giúp đỡ, nhưng khi hoàn thành thì ai cũng nể phục. “Chi phí cũng chỉ hết 3 triệu đồng, rẻ bằng 1/3 so với nơi khác, không bị khói và cháy triệt để” ông cười bảo thế.

Đồng chí Ma Văn Lùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ, khi thấy hiệu quả rõ rệt, những cán bộ như ông làm trước,  bà con thấy vậy cũng học làm theo. Rồi ông Đồ và ông Lùng lại cùng đi vận động nhân dân mỗi người đóng góp vài chục nghìn đồng làm lò đốt rác của thôn, việc này thành nhiều nơi nể phục người dân Bản Lằn, đường thông, ngõ sạch ai cũng tự hào.

Bẳn Lằn nay đã khác, người dân đã từng bước biết chuyển hẳn sang làm kinh tế rừng và một số ngành nghề kinh doanh lợi thế do nằm trên trục đường quốc lộ, trong thôn xuất hiện nhiều triệu phú như gia đình anh Ma Văn Phong; anh Ma Văn Thức; ông Hà Văn Kinh… Trong mỗi nét chấm phá sáng màu ấy, bà con ở Bản Lằn bảo nhau, một phần nhờ gương sáng của người có uy tín Hà Văn Đồ đấy!

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục