Sự kiện này tiếp nối tọa đàm được tổ chức vào ngày 10-6 vừa qua, nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng tầm rõ rệt về cả chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP; từng bước đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" chủ trì tọa đàm.
Chủ trì tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương. Cùng dự có Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft; Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro và nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học...
Nhận diện tiềm năng, thách thức
Là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc, "Thủ đô nghìn năm văn hiến", "Thủ đô Anh hùng", "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố Sáng tạo", Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ nhất tiềm năng, lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa to lớn và phong phú; nguồn lực "dân số vàng" (trên 51,7% dân số trẻ) cùng tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển. Điều này đặt ra trọng trách lớn đối với thành phố, làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của đất nước; hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm lớn về kinh tế, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu ấy và thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào đời sống xã hội, thành phố Hà Nội tiếp tục xác định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
"Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để vừa cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ, vừa là quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố Sáng tạo" trên lĩnh vực thiết kế của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo", đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết.
Tọa đàm thu hút trên 20 ý kiến tham luận, tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở thành phố.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý chỉ ra, Hà Nội sở hữu nhiều điểm mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững nhưng cũng có những hạn chế, như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết chuyên ngành hiệu quả cao; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý...
"Di sản văn hóa của thành phố vừa giàu có, vừa đa dạng song những giá trị văn hóa từ di sản chưa được nhận diện một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; các sản phẩm văn hóa chưa độc đáo, chưa bản sắc, xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế", Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nêu.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể của thành phố.
Đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô "cất cánh"
Tại sự kiện, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham vấn, góp ý cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa...
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là động lực mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; duy trì, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, tiêu biểu của nhân loại...
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Thành ủy Hà Nội tổ chức các buổi tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp, với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo.
"Những đóng góp tích cực của các đại biểu tại tọa đàm với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người trong phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong hiện thực hóa mục tiêu đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, từng bước đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo. Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết