Cán bộ Chi cục Hải quan Tuyên Quang giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống VNACCS/VCIS.
Đồng chí Khổng Mạnh Cường, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, Chi cục Hải quan Tuyên Quang đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Đơn vị hướng tới cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất và hiệu quả gắn với chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Trong đó, tập trung số hóa các quy trình thủ tục hải quan; hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan; nâng cao công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, đơn vị cắt giảm, đơn giản hoá những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Việc thực hiên cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với số hoá và sử dụng kết quả số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được Hải quan Tuyên Quang đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã làm thủ tục hải quan cho trên 20 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 12 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Toàn bộ quy trình xử lý thủ tục hải quan tại Chi cục đều được số hóa giúp doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch với cơ quan hải quan ở bất kỳ đâu.
Cán bộ Chi cục Hải quan Tuyên Quang hỗ trợ doanh nghiệp cài đặt ứng dụng qua phần mềm.
Từ năm 2017, cơ quan hải quan đã thực hiện đề án nộp thuế điện tử thông quan 24/7 với việc áp dụng giấy nộp tiền điện tử thay cho giấy nộp tiền giấy và thực hiện kết nối, trao đổi thông tin giữa các cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính về tình hình nộp thuế của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước đây, cán bộ hải quan phải sử dụng hàng chục quyển sổ để theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, chưa kể đến các loại sổ chi tiết, tổng hợp tài khoản các báo cáo kế toán bằng giấy. Tuy nhiên, sau khi triển khai hệ thống phần mềm, các sổ sách, chứng từ đã được lưu trữ toàn bộ ở dạng điện tử.
Anh Nguyễn Hoàng Chương, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết, hiện nay đơn vị chủ yếu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Trung bình mỗi ngày, bộ phận giải quyết 1 cửa tiếp nhận, giải quyết khoảng trên 20 hồ sơ. Trong đó hồ sơ luồng xanh sau khi khai quan đầy đủ chỉ mất vài giây là có thể thông quan ngay. 100% các báo cáo được thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ tài liệu và điều hành quản trị công việc toàn diện. Với các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ nhanh chóng được đơn vị giải đáp qua các ứng dụng gmail, zalo, web…
Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy thực hiện hải quan số, hải quan thông minh sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động thương mại, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết