Đoàn viên thanh niên xã Thành Long (Hàm Yên) quét dọn, vệ sinh, chăm sóc Nhà bia ghi tên liệt sỹ của xã.
Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, huyện xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chăm lo giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công là việc làm thường xuyên. Đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để không ngừng nâng cao đời sống cho các gia đình người có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Huyện đã tập trung triển khai và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Huyện Hàm Yên hiện có 819 đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã chi trả trên 10,4 tỷ đồng cho các đối tượng đúng quy định và kịp thời. Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức rà soát, cấp đổi thẻ BHYT cho các đối tượng chính xác, kịp thời. Đến nay, 100% đối tượng chính sách là người có công với cách mạng được cấp thẻ BHYT.
Những năm qua, huyện xây dựng, sử dụng và duy trì hiệu quả nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để thăm hỏi, hỗ trợ đối tượng người có công lúc ốm đau, gặp hoạn nạn; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7. Huyện đang duy trì nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với hơn 300 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã sử dụng 34,5 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 23 trường hợp ốm đau. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã huy động các nguồn xã hội hóa được 650 triệu đồng hỗ trợ 17 gia đình người có công với cách mạng làm nhà ở. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và các xã, thị trấn của huyện đã phối hợp thăm hỏi, trao tặng trên 4.800 suất quà cho các đối tượng người có công. Tổng giá trị quà tặng hơn 940 triệu đồng.
Gia đình thương binh Lương Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Phúc Long 3, xã Thành Long là hộ vừa được hỗ trợ xây nhà mới đầu năm 2021. Ngôi nhà có diện tích 60 m2 mái lợp tôn lạnh, nền lát gạch hoa, có đủ công trình phụ đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt. Tổng kinh phí xây nhà là 120 triệu đồng, trong đó Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình có 30 triệu đồng, còn lại 20 triệu đồng là do cấp ủy, chính quyền xã vận động xã hội hóa giúp đỡ.
Ông Lương Văn Kiên vui mừng cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều tuổi cao sức yếu, phải phụng dưỡng mẹ già hơn 90 tuổi. Vì vậy, suốt quá trình xây dựng nhà đều nhờ cậy vào sự giúp đỡ của cán bộ huyện, xã và thôn từ thuê máy đào móng, mua vật liệu, tổ chức và giám sát thi công… Có được căn nhà kiên cố là niềm mơ ước của vợ chồng tôi bấy lâu nay. Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, gia đình đều được lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi và tặng quà. Đó là nguồn động viên để gia đình tôi tiếp tục nỗ lực vươn lên”.
Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn của huyện đã luôn quan tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình vươn lên trong cuộc sống. Căn cứ vào thực tế địa phương, các xã, thị trấn huy động các nguồn lực xây dựng, tu sửa, nâng cấp nhà bia ghi tên liệt sỹ. Đó là hoạt động vừa thể hiện sự tri ân với những hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, là nơi để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đến nay, toàn huyện có 12 xã, thị trấn đã xây dựng được nhà bia ghi tên liệt sỹ cấp xã.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Bí thư Đoàn xã Thành Long cho biết: Hằng năm, Đoàn xã đều phối hợp tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã. Từ năm 2019 đến nay, Đoàn xã đã phát huy trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc cây cảnh khuôn viên khu vực nhà bia ghi tên liệt sỹ của xã. Đoàn xã coi đây là địa chỉ đỏ để ĐVTN xã bồi đắp truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tin, lòng tự hào dân tộc.
Trong tháng 7 này, UBND huyện đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021). Trong đó, chú trọng công tác giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Đồng thời, huy động các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chung sức hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo đời sống gia đình người có công.
Gửi phản hồi
In bài viết