Khẳng định vị thế, nâng cao thu nhập cho nông dân
Gia đình ông Đặng Đình Khuê, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ được gần 20 năm. Ông Khuê chia sẻ, trước đây gia đình chỉ tập trung trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình cũng không cao, có vụ tính theo bài toán “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Đồng thời, nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng chú trọng đến những mặt hàng nông sản an toàn, năm 2017, gia đình ông đã quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất truyền thống sang trồng cam hữu cơ. Qua 5 năm chuyển đổi, vườn cam hữu cơ hơn 2ha của gia đình ông Khuê có sản lượng ổn định tương đương với phương pháp truyền thống, cây cam khỏe, xanh tốt hơn, giá cam bán cao hơn gấp 2,5-3 lần so với cam trồng theo cách truyền thống, thị trường ổn định hơn. Trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cho sức khỏe của những người làm vườn như ông được tốt hơn. Cam hữu cơ của gia đình ông hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, từ Hà Nội vào đến TP Hồ Chí Minh.
Gia đình ông Đặng Đình Khuê, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch vườn cam hữu cơ của gia đình.
Vườn bưởi hữu cơ của chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau quả hữu cơ Quang Mừng, xã Bình Xa có trên 1.000 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi hoàng và bưởi đào hường rộng gần 10ha. Mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch trên 20 nghìn quả các loại. Bưởi hữu cơ khi thu hoạch có hình thức đẹp, quả to đều, được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá trung bình từ 15-40 nghìn đồng/quả. Để trồng bưởi hữu cơ, trên toàn bộ diện tích đất trồng bưởi, chị ủ phân chuồng bón vào xung quanh gốc cây bưởi, tạo cho nền đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng và sử dụng thuốc thảo mộc tự chế từ gừng, tỏi, ớt để phòng, trừ sâu, bệnh. Nhờ đó, cây bưởi cho quả đạt chất lượng, mang một hương vị riêng, tự nhiên vốn có, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX được nhiều khách hàng ở thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao như trong chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sử dụng. Thời gian tới, HTX đang tích cực đưa sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX sang thị trường Nhật Bản.
Đến nay, ngoài mô hình trồng cam hữu cơ của Tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành, bưởi hữu cơ HTX Rau quả hữu cơ Quang Mừng, huyện Hàm Yên còn duy trì hiệu quả HTX Chè xanh Làng Bát; cam VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất Cam VietGAP xã Yên Lâm, Yên Thịnh (thị trấn Tân Yên), HTX Nông nghiệp sạch Minh Khương; táo VietGAP của HTX Táo Động Tiên, xã Yên Phú. Qua đó, giúp huyện nâng cao diện tích nông nghiệp sạch, trong đó có hơn 870 ha cam được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 24,4 ha cam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam; 15,5 ha bưởi VietGAP, 10 ha bưởi hữu cơ; 29 ha chè VietGAP; gần 9,2 ha táo VietGAP. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) trao đổi kỹ thuật trồng chè VietGAP
với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên.
Hướng tới phát triển bền vững
Hàm Yên là địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, với các sản phẩm chủ lực là cây cam sành, chanh tứ quý, thanh long, chè. Đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời tạo môi trường sống trong lành cho người dân. Mặc dù hiệu quả đã được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp sạch của Hàm Yên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có. Đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ mới đạt được 34,4ha, VietGAP đạt gần 924ha. Trong chăn nuôi, huyện chưa có sản phẩm nông nghiệp sạch.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích sản xuất VietGAP, hữu cơ và hữu cơ chuyển đổi đối với 1.950ha cây cam, 150 ha chè, 60 ha bưởi, 20ha lúa, 40ha rau. Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi, huyện Hàm Yên xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, huyện có những chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện sản xuất hàng hóa, các dự án liên kết theo chuỗi bền vững; hỗ trợ cải tạo đất, thuê quyền sử dụng đất để tích tụ đất đai, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý và nhiều cơ chế thông thoáng để mời gọi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm. Ngoài ra, huyện lựa chọn thêm một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch như táo, chanh, thanh long, vịt bầu...
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn để phát triển nền nông nghiệp sạch nhưng hướng đi của Hàm Yên đang tạo ra nhiều cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp của huyện đủ sức vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết