Trên địa bàn huyện Sơn Dương, những cánh đồng hiện đã được phủ màu xanh của mạ và các loại cây trồng khác. Mặc dù đã đến giờ nghỉ trưa, song trên nhiều xứ đồng, người nông dân vẫn cặm cụi cấy lúa. Bà Nguyễn Thị Chuyên, thôn Bòng, xã Tân Trào dừng tay cấy cho biết, nhiều vụ liền năng suất lúa của gia đình đạt cao do tuân thủ nghiêm khung lịch thời vụ gieo cấy, theo đúng khuyến cáo của cán bộ khuyến nông. Mấy hôm nay, trời rét đột xuất nên mọi người tranh thủ nhiệt độ ấm lên ở buổi trưa để cấy lúa cho đúng khung thời vụ. Thời tiết đầu vụ thuận lợi cho mạ phát triển nên nông dân rất phấn khởi.
Để chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân gia đình đã chuẩn bị kỹ các điều kiện cho sản xuất như chọn mua giống tốt, phân bón (phân lân, phân hữu cơ) để bón lót, mạ trước khi đem ra cấy, mạ cũng đã được phun trừ rầy để phòng ngừa lây truyền bệnh. Bà Chuyên nói: “Do neo người nên người dân trong thôn chúng tôi thực hiện cấy đổi công, tiến độ cấy cũng được đẩy nhanh. Đến thời điểm này, gia đình tôi đang cấy nốt những diện tích cuối cùng trong tổng số 8 sào vụ xuân này với giống lúa thuần TBR 225 và TBR 89. Năm nay thời tiết thuận lợi, đủ nước gieo cấy và dưỡng lúa nên cây lúa sẽ sinh trưởng và phát triển tốt hứa hẹn mùa bội thu”.
Người dân xã Tân Trào (Sơn Dương) cấy lúa xuân.
Theo kế hoạch, vụ xuân này, huyện Sơn Dương phấn đấu gieo cấy 4.797,5 ha lúa. Với định hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (Bắc thơm số 7, TBR 225, BC 15, Bắc hương 9, Nhị ưu 838, J02, Thái xuyên 111, Thiên ưu 8, KM 18...) khoảng 80%, giảm diện tích lúa lai xuống còn 20%.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, trong hơn 4.797,5 ha lúa của huyện thì chỉ có khoảng 100 ha lúa ở khu vực xã Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam, Phúc Ứng là bà con áp dụng phương pháp gieo sạ, phần lớn diện tích còn lại vẫn gieo mạ cấy tay. Điều này gây áp lực rất lớn trong việc đảm bảo khung thời vụ, bởi phần lớn lao động trong nông nghiệp hiện nay đã chuyển dịch sang làm việc tại các công ty, khu công nghiệp.
Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo tập trung từ huyện nên các công đoạn của sản xuất vụ mùa vẫn được triển khai kịp thời. Bà con cũng linh hoạt đổi công, thuê mướn lao động từ các vùng khác hoặc huy động các thành viên trong gia đình tranh thủ ra đồng gieo cấy nên đến thời điểm này, tiến độ gieo cấy cơ bản đảm bảo. Trên thực tế, nông dân Sơn Dương mới xuống đồng gieo cấy lúa mùa rộ từ ngày 3-2 nhưng với tốc độ gieo cấy mỗi ngày hàng nghìn ha, toàn huyện sẽ kết thúc khâu sản xuất này trước ngày 16-2.
Là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông nên sản xuất vụ mùa ở huyện Chiêm Hóa thường đẩy sớm hơn các địa phương khác, ông Lâm Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa cho biết, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất vụ xuân để có nguồn quỹ đất phát triển vụ tiếp theo nên huyện bố trí 90% là trà xuân sớm và đến ngày 15-2 toàn huyện đã hoàn thành xong việc gieo cấy 3.784 ha diện tích lúa xuân. Thời điểm này, cây lúa đang bén rễ hồi xanh, sinh trưởng phát triển thuận lợi. Hiện nay, cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn bà con tiến hành chăm sóc bón thúc lần 1 đối với lúa cấy và bón nhử đối với lúa gieo thẳng, kết hợp với làm cỏ sục bùn để hạn chế bệnh nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ hay xảy ra ở vụ sản xuất này. Đồng thời, tập trung điều tiết nước dưỡng lúa; theo dõi chặt chẽ mật độ sâu bệnh, đặc biệt là ốc bươu vàng, chuột hại. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường rà soát, tu sửa hệ thống kênh mương, máy bơm để sẵn sàng tiêu thoát nước bảo vệ lúa khi có mưa lớn xảy ra.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.487 ha lúa, với mục tiêu năng suất đạt từ 54,1 tạ/ha trở lên. Đánh giá của ngành nông nghiệp, nhìn chung vụ sản xuất này ngoài khó khăn do giá vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón tăng cao, thời điểm xuống giống thời tiết mưa rét kéo dài nên mạ non phát triển chậm. Tuy nhiên thời điểm cấy thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào, ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ không cao. Đặc biệt, do làm tốt công tác diệt chuột từ đầu vụ nên mật độ chuột trên đồng ruộng thời điểm này khá thấp, không có diện tích lúa phải gieo cấy lại do chuột hại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân, trong đó một số địa phương đã hoàn thành sớm như: Chiêm Hóa, Lâm Bình, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang... đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
Để chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi của vụ xuân, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để có những thông tin sớm, nhanh về biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong việc bảo vệ cây trồng, phòng trừ sâu bệnh và nguồn nước tưới tiêu đảm bảo cho vụxuân đạt kết quả cao.
Gửi phản hồi
In bài viết