Hăng hái tòng quân vì miền Nam ruột thịt

- Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi miền Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, hàng nghìn thanh niên Tuyên Quang đã xung phong lên đường, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã rời xa gia đình, quê hương, mang theo lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng hòa bình, dấn thân vào cuộc chiến cam go, đầy hiểm nguy.

Thanh niên huyện Lâm Bình hăng hái lên đường nhập ngũ ngày 13-2-2025.

Các cơ sở thực hiện cuộc vận động “ba cử”, hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển quân. Nhiều người viết đơn bằng máu xin được tòng quân chiến đấu. Nhiều gia đình có 2 - 3 con cùng tham gia quân ngũ. Các tổ phụ nữ làm tốt việc động viên chồng, con, người thân lên đường chiến đấu, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình quân nhân. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, hơn một vạn người đã lên đường chiến đấu. Chỉ riêng năm 1966 tỉnh đã hoàn thành 7 đợt tuyển quân với 2.638 người. Năm 1968 là năm huy động cao nhất, có 5.276 người nhập ngũ.

Vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Trần Xuân Tạng, thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột, ông cùng đồng đội hành quân theo hướng Tây Ninh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Với nhiệm vụ trực tiếp đánh chặn đường quân địch đóng ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Ông Tạng cho biết: “Ngày đó, các ông không màng bom đạn, chiến tranh, chỉ cần được nhập ngũ, được trực tiếp tham gia chiến đấu với các ông là điều vô cùng tự hào, các ông chỉ có suy nghĩ là dốc hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong 2 năm 1970 - 1971, toàn tỉnh đã thực hiện 4 đợt nghĩa vụ quân sự, xây dựng thêm 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương tăng cường cho các đơn vị chủ lực và chiến trường miền Nam. Ông La Đức Kế, thôn Đồng Lũng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) năm nay ngoài 80 tuổi nhưng vẫn giữ được dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn của người lính trinh sát đặc công năm xưa.

Ông Kế cho biết: Với nhiệm vụ trinh sát, bám sát trận địa của địch để thu thập những thông tin quan trọng, ông đã tham gia vào các Tiểu đoàn 10, 13, 14 rồi vào Tiểu đoàn 21 Trinh sát  Đặc công - Trung đoàn Đặc công 429 tham gia tiến đánh một số mục tiêu quan trọng. Trong những trận đánh đó, những trận bom pháo địch, kể cả bom napan được địch triển khai ác liệt nhằm tiêu diệt những người lính trinh sát tài ba dũng cảm.

Để tiếp cận mục tiêu, lực lượng Đặc công - Biệt động của ta phải tìm cách vượt nhiều lớp hàng rào dây thép gai, trên các lớp rào có cài nhiều mìn vướng nổ. Địch tổ chức canh gác cẩn mật quanh khu vực này suốt ngày đêm một trận đánh ác liệt nhưng với sự dũng cảm, tài ba của lính đặc công, ông và các đồng đội đã làm chủ thế trận, chiến thắng oanh liệt để góp sức làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975 của dân tộc. 

Trang Hoàng
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang 1940-1975)

Tin cùng chuyên mục