“Lớp” học trên đồi
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid -19, các trường học trên địa bàn xã Đông Lợi cho các em học sinh học theo hình thức online gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thôn Cao Ngỗi. Đây là thôn vùng sâu, vùng xa của xã. Việc sắm được phương tiện để các em học đã khó, việc có được “sóng” tốt đảm bảo cho buổi học càng khó hơn.
Có mặt tại căn lán nhỏ, đơn sơ, nằm trên lưng chừng đồi của em Riêu Ngọc Huệ, lớp 4D, trường Tiểu học Đông Lợi, mới thấu hiểu được nỗi khó khăn mà vẫn ham học của em. Huệ tâm sự, em được bố mẹ làm cho một cái lán nhỏ sau đồi của nhà, cứ khoảng 19 giờ tối thì buổi học ở lớp bắt đầu. Nhưng 18 giờ tối em đã cùng mẹ rời nhà và cầm theo chiếc điện thoại của mẹ vượt qua quả đồi sau nhà gần 3 km để dò sóng học online. Vì nhà em ở thôn Cao Ngỗi, nơi đồi núi cao hiểm trở, sóng điện thoại thì chập chờn. Để theo kịp bài giảng của cô giáo em phải cầm điện thoại vừa đi, vừa “hứng” sóng. May đến đây tìm được chỗ này có nhiều sóng, nhưng cũng không ổn định, có buổi đang học giữa chừng thì rớt mạng đến 1-2 lần, nhưng em không bỏ buổi học nào của trường. Những buổi học ở trên này em luôn được mẹ đi cùng để đợi đến khi nào em học xong, hai mẹ con lại cùng nhau về nhà. Việc học tuy có vất vả nhưng em sẽ cố gắng học để bằng các bạn trong lớp.
Các em học sinh thôn Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) hứng sóng học online.
Những ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh ở Cao Ngỗi học online trên đồi núi. Góc học tập của em Trần Thị Thanh Vân, lớp 7B, trường THCS Đông Lợi (Sơn Dương) hơn một tuần nay trên một quả đồi, bàn học được bố mẹ làm cho rất sơ sài từ mấy cành cây, chỉ đủ cho em để chiếc điện thoại di động. Mỗi ngày em vượt gần 3 km để học, vì bố mẹ làm ruộng nên ban ngày không có điện thoại, chiều tối em đi bộ lên lán để bắt đầu học bài cùng các bạn trong lớp. Buổi học bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc là 10 giờ khuya. Em chia sẻ, có hôm khi tan học trở về nhà thì mọi người đều đã đi ngủ, đường xa, nhưng em quen rồi nên cũng không thấy sợ lắm. Vì đây cũng là cách duy nhất để em nghe thầy cô giáo giảng bài, không bỏ lỡ kiến thức, để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình trở thành cô giáo dạy Văn giỏi.
Hàng ngày anh Trần Văn Tập đều đặn đưa hai cậu con trai vượt qua quả đồi cách nhà 4 km để hứng sóng học online. Anh Tập nói, anh có 2 con là cháu Trần Thanh Tùng lớp 2A trường Tiểu học Đông Lợi và Trần Tuấn Tài, lớp 6A, trường THCS Đông Lợi. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên hai con đều phải học online, việc đưa các cháu đi tìm nơi có sóng điện thoại rất vất vả và khó khăn, nhà chỉ có một chiếc điện thoại để cho các con học. Vì vậy, hai vợ chồng anh phải chia việc nhà ra để đưa con đi học. Hàng ngày vợ anh ở nhà làm ruộng; chăn trâu và lo cơm nước cho 3 bố con. Còn anh hơn một tuần nay ngày nào cũng đưa các con lên quả đồi này để học, anh con cả thì học ca sáng, cậu con trai út học ca chiều. Anh Tập nói, có hôm mấy bố con mang cơm nắm lên đây ăn rồi cho con học tiếp, khổ nhất nhiều lúc con đang học lại mất kết nối vì đường truyền không ổn định, lúc đó anh chỉ biết động viên các con cố gắng học để thoát được nghèo.
Cô giáo Ninh Thị Tuyết, giáo viên trường Tiểu học Đông Lợi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) kiểm tra việc học online
của các em ở trên các lán nhỏ.
Đi theo con chữ
Được biết thôn Cao Ngỗi hiện có 12 em ở bậc Tiểu học và THCS đang học theo hình thức học online. Trong đó học sinh tiểu học 8 em và học sinh THCS 4 em. Cô giáo Hoàng Thị Hà, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Lợi cho biết, thực hiện Văn bản số 571/UBND - KGVX về việc điều chỉnh phương án tổ chức dạy học theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 28-2, trường Tiểu học Đông Lợi đã cho học sinh học theo hình thức online. Nhưng tại thôn Cao Ngỗi nhà trường có 8 em học sinh ở các khối học từ 1-5, là hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, việc dạy học trực tuyến còn nhiều hạn chế vì không có sóng điện thoại. Vì vậy, thầy cô phải thay phiên nhau truyền đạt kiến thức cho các em. Có những hôm sóng yếu thầy cô giáo trong trường đã ở lại trường vừa dạy học trực tuyến, vừa quay video bài giảng, hoặc in lại các bài giảng gửi lên nhóm zalo cho phụ huynh ở Cao Ngỗi, tối đến các phụ huynh chuyển cho con em mình học. Sau đó chụp những bài tập làm xong chuyển vào trang zalo, hoặc messenger riêng cho thầy cô để chấm điểm cho các em. Việc học ở đây rất là khó khăn vất vả, nhưng các em luôn có ý chí phấn đấu học tập tốt.
Cái bạt gọi là lán tạm được bố mẹ dựng trên lưng chừng đồi rộng khoảng 10 m2, chỉ có một chiếc bàn cũ kỹ và 1 viên đá nhỏ kê lên đựng điện thoại hứng sóng, với em Trần Thanh Tùng, lớp 2A, trường Tiểu học Đông Lợi đã trở nên thân quen. Cứ đến 12 giờ 30 em lại mang sách vở và điện thoại lên đây để chuẩn bị vào lớp, nghe cô giáo chủ nhiệm giảng trực tuyến. Em tâm sự, em chưa nghỉ một buổi học nào dù có hôm thời tiết mưa gió, sóng bị rớt. Em luôn cố gắng học, chỗ nào chưa hiểu tối về hỏi anh trai giảng lại bài, hoặc hỏi lại cô giáo. Em mong dịch bệnh Covid-19 qua nhanh để em được trở lại trường học cùng bạn bè trong lớp. Em nhớ trường, nhớ lớp học, thầy cô.
Một giờ học online Tiếng Việt trên đồi của các em học sinh trường Tiểu học Đông Lợi (Sơn Dương).
Khó khăn là thế, để cho con chữ nảy mầm, sinh sôi, các thầy cô giáo vẫn hằng ngày nỗ lực vượt lên, thích nghi với hoàn cảnh mới, để hành trình gieo chữ không bị gián đoạn cho các em học sinh nơi này. Cô giáo Nịnh Tuyết Chung, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4-5 cho biết, ở thôn Cao Ngỗi sóng yếu, nên điểm nào có kết nối các thầy cô trong trường cũng phải tập trung 2-3 giáo viên dùng chung 1 thiết bị, cô nào tìm trò của người đấy theo lớp mình đang dạy để hướng dẫn các em làm bài tập, giao bài. Đa số các giờ học đều phải thực hiện vào buổi chiều và tối, vì ban ngày, phụ huynh cầm theo điện thoại đi làm. Vì vậy, bản thân cô chủ nhiệm lớp 4-5 có 2 học sinh của thôn, cô luôn tìm những phương án tốt nhất để truyền tải cho các em tiếp thu bài một cách hiệu quả nhất.
Được biết, ở thôn Cao Ngỗi các bậc phụ huynh đã dựng cho con em mình đến 12 lán nhỏ để hàng ngày thay phiên nhau đưa con đi học. Họ mong muốn nhất là có sóng điện thoại để các con được học tập tốt, không vất vả trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Chị Vương Thị Lan, mẹ của cháu Riêu Ngọc Huệ, học lớp 4D, trường Tiểu học Đông Lợi chia sẻ nỗi niềm, không chỉ các em học sinh mong muốn có sóng điện thoại để thuận lợi cho việc học, mở mang thông tin, kiến thức, mà người dân như chị cũng mong có sóng điện thoại để liên lạc được thuận lợi, tiếp thu thông tin, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần.
Dịch bệnh và những khó khăn trong việc học online của học trò thôn Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) không thể cản bước việc tiếp nhận kiến thức của các em. Bởi con đường đến với cái chữ là khát khao cháy bỏng để các em cố gắng học tập tốt, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương Cao Ngỗi ngày một giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết