Hào khí Lam Sơn tỏa rạng trường tồn cùng khí phách dân tộc!

Nếu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc tranh đấu trường kỳ gian khổ để giành lại quyền tự quyết cho dân tộc và tự do cho Nhân dân; thì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418 xứng đáng trở thành một biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khí phách hào hùng và khát vọng trường tồn của dân tộc ta trong dặm dài lịch sử. Để rồi, trải qua hơn 6 thế kỷ, hào khí Lam Sơn vẫn sẽ luôn tỏa rạng cùng khí phách dân tộc trên chặng đường tranh đấu nhằm khẳng định uy tín và vị thế quốc gia.

Vẻ đẹp Lam Kinh là sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc.

Âm vang hào khí non sông

Quốc gia Đại Việt đầu thế kỷ XV chứng kiến nhiều biến động to lớn. Khi nhà Hồ còn chưa kịp đứng vững thì đã bại dưới tay giặc Minh, khiến đất nước quằn quại dưới gót giày xâm lược và thống trị bạo tàn. Thực trạng ấy đã đặt ra nan đề về sự tồn - vong của quốc gia, dân tộc cho các lực lượng yêu nước lúc bấy giờ. Và rồi, cũng chính câu hỏi về sự tồn vong của dân tộc và khát vọng tìm lại giá trị con người cho con dân Đại Việt đã trở thành động lực thôi thúc người anh hùng áo vải chốn Lam Sơn bước lên vũ đài lịch sử. Sau chuỗi ngày nếm mật nằm gai, chuẩn bị lực lượng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã nổ ra vào mùa xuân năm Mậu Tuất 1418 ở núi Lam Sơn. Tuy buổi đầu, đó vốn là cuộc chiến không cân sức khi ta buộc phải “lấy yếu chế mạnh”, “lấy ít địch nhiều”. Song với khát vọng “Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc”, cùng quyết tâm sắt đá “Căm giặc nước thề không cùng sống” và bằng nghị lực phi thường, cuộc chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân ta đã vang khúc khải hoàn với thắng lợi lẫy lừng trên khắp mặt trận Bồ Đằng, Chi Lăng, Tốt Động, Chúc Động, Trà Lân... để kết thúc ở Đông Đô - thành lũy cố thủ cuối cùng của bè lũ ngoại bang xâm lược: “Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại/ Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về”!

 

Cuốn sử đồ sộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi lại khá kỹ trận quyết chiến sinh tử ấy; đồng thời, các sử quan cũng dành nhiều lời ngợi ca chiến công của Bình Định vương, các tướng sĩ và Nhân dân ta: “Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ 1 (1428). Mùa xuân, tháng giêng, người Minh đã về nước, vua bèn thống nhất thiên hạ, lấy năm ấy là năm dẹp yên. Lời bàn: Trời đất đã định, Nam Bắc chia trị, phương Bắc tuy lớn mạnh mà không thể đè nén được phương Nam, xem ngay như thời Lê, Lý, Trần thì biết. Thế cho nên cuối thời Tam Quốc, phương Nam tuy đã suy yếu, nhưng chỉ có nội loạn mà thôi. Đến như nhà nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, đến nỗi mất nước, thân nhục, giặc Bắc hung tàn, dân Nam khốn khổ. May lòng trời nghĩ đến, sinh ra thánh chúa, lấy nghĩa mà đánh, lấy nhân mà dẹp, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại được tươi, Nhân dân được yên, Nhà nước được trị. Là bởi vua tôi cùng dạ, trên dưới một lòng vậy. Ôi! loạn tột tất phải trị, như nay đủ thấy”.

 

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô lớn và cực kỳ gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đi tìm căn nguyên cho thắng lợi vĩ đại ấy, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, cho rằng: “Lòng dân quyết định mọi thành bại của các cuộc kháng chiến. Mấu chốt nằm ở các chính sách và giải pháp của người đứng đầu có mang lại lợi ích thiết thực, có tạo lập được niềm tin thật sự và lâu bền trong dân chúng hay không. Bài học “lấy dân làm gốc” vì thế có giá trị trường tồn trong mọi thời đại, trong suốt quá trình lịch sử đất nước, đến ngày nay và cho đến mai sau”. Còn PGS.TS Lâm Bá Nam thì nhấn mạnh: “Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính chất Nhân dân rộng rãi, là cái mốc quan trọng, đồng thời là đỉnh cao của mối đoàn kết dân tộc. Trong toàn bộ cuộc kháng chiến quá nửa thời gian, nghĩa quân hoạt động tại vùng núi Thanh Hóa với vô vàn những khó khăn hiểm nghèo. Nhiều khi tưởng chừng không vượt qua nổi. Nhờ sự bảo vệ, nuôi dưỡng, sự chi viện sức người, sức của của Nhân dân các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ... ở vùng núi Thanh Hóa, nghĩa quân ngày càng phát triển lớn mạnh, đi đến đâu cũng (chật đất người theo), đầy đường rượu bày (Nguyễn Trãi trong Phú núi Chí Linh). Sự đóng góp của các dân tộc Mường, Thái trong những năm đầu của cuộc kháng chiến là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XV. Đồng thời, sự đóng góp đó là một trong những bằng chứng sinh động khẳng định mối đoàn kết và sự thống nhất vững chắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

 

Cùng với huy động sức mạnh Nhân dân là căn nguyên cho thắng lợi, theo PGS Vũ Ngọc Khánh, khởi nghĩa Lam Sơn đã “tự đặt ra được những vấn đề như lấy tư tưởng chí nhân, đại nghĩa để chỉ đạo chiến lược, lấy phương thức dùng yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều để chỉ đạo chiến thuật. Khởi nghĩa Lam Sơn cũng đặt ra được vấn đề gắn bó đồng nhất giữa lòng yêu nước và tình thương dân, để xác định được quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước và khai thác được sức mạnh vĩ đại của Nhân dân vào cuộc chiến tranh giải phóng. Khởi nghĩa Lam Sơn cũng nêu lên được đường lối tha thiết với hòa bình, đồng thời với lòng căm ghét chiến tranh và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với những thuận tiện tối đa, cùng tổn thất tối thiểu. Chưa một cuộc khởi nghĩa nào trong lịch sử nước ta, trước Cách mạng Tháng Tám, nêu được những vấn đề có ý nghĩa lý luận như vậy. Lê Lợi là người lãnh tụ duy nhất có ý thức xuất phát từ đường lối tư tưởng được quan niệm thành học thuyết hẳn hoi và cũng kiên trì với chủ thuyết của mình.

Giữ gìn cho muôn đời sau

“Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ”. Hướng về cội nguồn không chỉ là đạo lý dân tộc, mà còn thuận với ý trời, hợp với lòng người. Bởi vậy, sau khi đăng quang, Vua Lê Thái tổ đã đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (hay Tây Kinh) để phân biệt với Đông Kinh (Thăng Long). Đây không đơn thuần chỉ là việc đổi cách gọi tên, mà nó mang ý nghĩa về sự tôn kính của nhà vua đối với quê cha đất tổ; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế của vùng “đất căn bản làng vua” - nơi khởi nghiệp đế vương của triều đại hậu Lê. Cũng từ đây, Lam Kinh trở thành “kinh đô tưởng niệm” - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng thái hậu thời Lê sơ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: “Đại Việt có Đông Đô ở đồng bằng Sông Hồng, có Lam Kinh ở đồng bằng Sông Mã - một quốc gia giàu mạnh, để láng giềng nhìn vào. Ý thức tự tôn dân tộc, cái hào khí sau ngày đại thắng là lý do sâu xa để triều Lê sơ xây dựng Lam Sơn trở thành Lam Kinh!”.

 

Điều đó phải chăng cũng chứng tỏ, việc xây dựng Lam Kinh còn mang nhiều dụng ý sâu xa hơn? Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo cho rằng: Sau 20 năm đô hộ của nhà Minh, những giá trị văn hóa do các triều đại trước gây dựng nên đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Do vậy, việc xây dựng Lam Kinh trở thành lăng miếu để thờ phụng tổ tiên và một số vua nhà Lê mang ngầm ý: Nhà Minh muốn tàn phá nước Đại Việt, chúng đã quật phá mồ mả tổ tiên của Lê Lợi, thì nay đất nước này vẫn tồn tại, Lam Sơn đã trở thành Lam Kinh trong dáng vẻ tôn nghiêm, hoành tráng. Đặc biệt, việc xây dựng Lam Kinh còn nhằm mục đích là tạo uy thế cho triều đình nhà Lê, cả về đối ngoại lẫn đối nội. Đồng thời, đó là một bước nhằm hiện thực hóa tư tưởng và khát vọng xây dựng Nhà nước Lê sơ hùng mạnh của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi.

 

Với nhiều tầng nghĩa sâu xa đó, Lam Kinh được xây dựng dựa theo hình thế núi sông tự nhiên và quan niệm phong thủy nghiêm ngặt. Theo nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái tông và lăng của các vua nhà Lê đều ở đấy cả. Lăng nào cũng có bia. Sau được lấy hồ Tây làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở Kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.

 

Khởi nguồn là “kinh đô tưởng niệm”, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhà Lê; song với vai trò lịch sử, cùng nhiều giá trị to lớn về mặt văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ, Lam Kinh ngày nay trở thành một quần thể di tích có tầm quan trọng đặc biệt và là di sản văn hóa quốc gia được bảo tồn, gìn giữ nghiêm ngặt. Đồng thời, là nơi lòng người hướng về với sự tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc hiền nhân tiên tổ. Do vậy năm 2012, Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012). Tròn 10 năm được vinh danh, Lam Kinh đã và đang được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.

 

Có thể khẳng định, tư tưởng nhân nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” và tư tưởng yên dân “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” chính là sức mạnh nội sinh, là mạch nguồn chủ đạo dẫn dắt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, cũng chính tư tưởng ấy đã tạo nền tảng để gây dựng nên một trong những vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Tư tưởng ấy khởi nguồn từ truyền thống trọng hòa hiếu, khát khao hòa bình của dân tộc ta và được ví như âm hưởng trống đồng sẽ mãi vang vọng từ “nghìn xưa cho mãi tới mai sau” như là hiệu lệnh từ tâm tưởng, từ trái tim mỗi con dân đất Việt yêu nước. Để rồi, kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái tổ đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2022, là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây không chỉ là dịp để hậu thế tri ân, ngưỡng vọng, tôn vinh công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều hậu Lê; mà qua đó để nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc. Đồng thời, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cùng khát vọng phát triển đất nước hưng thịnh. Để cho hào khí Lam Sơn tỏa rạng trường tồn cùng khí phách dân tộc!

Theo Báo Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục