Người Tày cho rằng, hát Quan làng là sợi dây để kết nối giữa con người với con người và với thế giới tâm linh. Đám cưới và hát Quan làng luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau, có đám cưới là có hát Quan làng và ngược lại.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương trao chứng nhận Văn hóa phi vật thể quốc gia Hát quan làng của người Tày cho lãnh đạo huyện Na Hang. Ảnh: Quang Hòa
Các bài hát Quan làng là loại thơ dân gian truyền miệng của đồng bào Tày được thể hiện qua lối hát đối đáp trong khi xin dâu và đưa dâu giữa hai bên: Quan làng (đại diện bên họ nhà trai) và Pả mẻ (đại diện họ nhà gái).
Ông Quan làng phải biết làm thơ, hát đối đáp, có đông con cái, là người có uy tín, có đạo đức và ăn nói lịch thiệp. Bà Pả mẻ phải biết hát văn đám cưới “hắt văn đảm bái”, đứng tuổi, có đức độ, uy tín, có khả năng ứng đối, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, có chồng và gia đình hạnh phúc, con đàn, cháu đống.
Hát Quan làng trong đám cưới của người Tày ở Tuyên Quang được chia làm 3 cung đoạn: Đón dâu (nhà trai đến xin dâu), nộp dâu (nhà gái nộp dâu), đón dâu (nhà trai đón dâu về). Dù không có đạo cụ kèm theo, nhưng hát quan làng vẫn hấp dẫn người nghe bởi những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý. Đám cưới dù có ồn ào, náo nhiệt đến đâu, khi tiếng hát Quan làng cất lên thì tất cả mọi người đều chăm chú và say sưa lắng nghe.
Trong đám cưới người Tày, đoàn nhà trai phải vượt qua 36 cửa mới có thể đón được cô dâu về. Nếu ở cửa nào không vượt qua được tức không hát đối đáp, xử lý được thì họ nhà trai sẽ bị phạt uống rượu và hơn nữa là bị chê cười. Ví dụ, Cung đoạn đón dâu, cửa thứ hai, Quan làng nhà trai hát:
Xin thưa các tú nữ tươi xinh
Tôi xin trình các nàng giữ lụa
Bước đến nhà người nơi đây
Người khéo có lụa hồng ngăn lối
Người khéo có tơ rối ngăn đường
Chắp tay xin hỏi tại làm sao
Ý các nàng thế nào cho biết
Xin các nàng dạy cho với nhé.
Pả mẻ nhà gái đối đáp:
Tôi xin thưa khách lạ đường xa
Người đi đâu sớm mà sương quá
Hôm nay lấy lụa ra ngăn lối
Lo kẻ trộm sớm tối qua đây
Chẳng biết khách giờ này có hiểu
Người sang được thì thiếu cũng qua
Không sang được thì là phải liệu
Người muốn qua không nhiều thì ít
Khoảng hai đồng thả xuống
mâm hoa
Tôi sẽ mở cho qua cổng đẹp này
thôi nhỉ”
Hoặc đến khi đoàn nhà trai đã vào trong nhà, họ nhà gái chưa trải chiếu cho khách nhà trai ngồi hoặc trải xộc xệch, trải trái mặt…, ông Quan làng lúc này lại phải tiếp tục hát cho đúng ý của nhà gái mới được ngồi:
“Tự Bàn cổ khởi sinh lễ nghĩa
Chưa thấy chiếu trải trái bao giờ
Việc này hỏi làm ngơ sao được
Mặc áo đơm lệch trước vô duyên...”.
Quan làng nhà gái đáp lại:
“... Thấy khách lạ cháu sợ vội vàng
Chưa trải chiếu bao giờ chưa biết
Lại đem trải chiếu hết một hàng
Chiếu người Kinh mang sang
còn mới
Chẳng biết là bên dưới bên trên
Trải không nên xin vào trải lại
mà thôi.’’
Sau đó, bên nhà gái cử người ra trải chiếu phải và mời nhà trai ngồi. Đoàn nhà trai trước khi ngồi xuống chiếu, Quan làng phải hát đối lại một bài ca ngợi trải chiếu đúng, chiếu đẹp và sự mến khách của gia chủ. Lúc đó, mọi người bên nhà gái mới mang nước, trà và trầu ra mời đoàn nhà trai, đại diện nhà gái hát bài mời nước, mời trà và mời trầu, Quan làng nhà trai hát bài cảm ơn, khen ngợi chè thơm, trầu ngon têm khéo và sự chu đáo, nhiệt tình của họ nhà gái, qua đó tạo nên không khí vui vẻ trong buổi gặp nhau đầu tiên của đám cưới.
Khi nhà trai tính toán thời gian để đưa cô dâu về đến nhà chồng đúng giờ đã định trước, Quan làng nhà trai trịnh trọng hát bài xin đón dâu, cảm ơn sự chu đáo nhiệt tình của nhà gái và xin phép ông bà, cha mẹ, họ hàng nhà gái được đón dâu về nhà chồng:
“Tôi kính phụ mẫu thân sinh
Cùng toàn thể quan thân quý họ...
Hai chân xỏ giầy hoa ra cửa
Nón cầm tay cổ lựa vàng đeo
Nay theo chồng ly sơn cách xã
Xin kính chào bác bá gia môn
Tạm biệt ông bà nhạc tôi về
Xin dâu để hồi quê bái tổ”.
Trong lời đáp, pả mẻ nhà gái cũng dùng những lời thơ đầy ý vị rằng:
“Tôi kính trình phụ mẫu thân sinh
Cháu tôi về làm ăn với rể
Còn ngây thơ bên nội hãy khuyên
Khuyên cho con đắc đạo
Giáo cho con đắc ngôn
Như là người dạy kinh mặt chúa
Ngày sau con khắc biết khắc thông
Khờ dại chớ trách về thân họ tôi
đấy nhé”.
Với quan niệm ngày cưới là ngày vui - ngày uống rượu (kin lẩu) nên ngoài một số thủ tục mang tính lễ nghi bắt buộc, thì hoạt động chính của đám cưới là uống rượu và ca hát đối đáp. Hai họ trao đổi với nhau bằng những câu hát đầy vui tươi, phấn khởi và mang đậm chất trữ tình.
Hát Quan làng qua cửa, cung đoạn đón dâu.
Có thể nói, các tục lệ và hát đối đáp Quan làng trong đám cưới thể hiện sự phong phú, nhân văn, trữ tình trong tâm hồn và cuộc sống của người Tày. Từng nghi lễ, hát đối đáp trong việc đưa dâu, đón dâu luôn giữ vị trí quan trọng và có vai trò chi phối toàn bộ diễn trình của một đám cưới, in đậm các dấu ấn đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa được đúc kết, bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Hát Quan làng là một nét độc đáo trong kho tàng văn hóa, tri thức dân gian, phản ánh những phong tục tập quán, tâm tư, nguyện vọng của người Tày trong cuộc sống. Đồng thời, hát Quan làng cũng phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết