Sự kiện đã góp phần hiện thực hóa 6 cam kết của Thủ đô khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với tầm nhìn Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Trọng Hiếu
Ngắm Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn sáng tạo
Lần đầu tiên, người dân được chứng kiến cảnh dòng người xếp hàng dài chờ tham quan bên trong Tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình) - di sản có tuổi đời gần 130 năm gắn với bao sự kiện lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu” đã mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều cảm xúc bất ngờ, thú vị khi dạo chơi trong không gian của tháp nước cổ.
Gần không gian Tháp nước Hàng Đậu là chuyến tàu đặc biệt mang tên “Hành trình di sản” khởi hành từ Ga Hà Nội, Ga Long Biên, cầu Long Biên lịch sử bắc qua dòng sông Hồng để đến với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đây là chuyến tàu đặc biệt kết nối các di sản tưởng chừng đã bị lãng quên trong nhịp sống hiện đại. Sau khi tham gia chuyến tàu “Hành trình di sản”, bà Bùi Kim Ngân, một người dân sinh sống tại quận Đống Đa chia sẻ: “Lâu lắm rồi, tôi mới được gặp lại cảm giác đi tàu hỏa quen thuộc của 30-40 năm trước. Trải nghiệm này làm tôi nhớ khung cảnh Hà Nội xưa cũ, một Hà Nội khó khăn của thời bao cấp và những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tôi mong rằng, chuyến tàu “Hành trình di sản” sẽ được duy trì lâu dài sau khi kết thúc lễ hội, để người dân Thủ đô được thưởng thức những không gian văn hóa đầy tính truyền thống và sáng tạo như thế này”.
Đặc biệt, điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - nơi diễn ra hàng chục hoạt động văn hóa, trưng bày và triển lãm, hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế, cùng các hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo... xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa. Nhờ cách làm mới lạ, quy tụ hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 bước đầu đã thu được những thành quả nhất định. Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết, từ ngày khai mạc đến nay, có 2 vạn lượt khách đã tham quan Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và 3.000 lượt khách đến với Tháp nước Hàng Đậu. Đặc biệt, nhiều gia đình 3 thế hệ đã cùng nhau đến tham quan, trải nghiệm tại các không gian này.
Bên cạnh những hoạt động tại các không gian chính, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 lần đầu tiên có sự tham gia hưởng ứng của các quận, huyện, thị xã với nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa làng nghề truyền thống, ẩm thực, di sản... kết hợp với việc thiết kế sáng tạo sản phẩm văn hóa trên cơ sở đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương như: Tuần văn hóa, thương mại, du lịch làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông); Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” (quận Bắc Từ Liêm); Thiếu nhi vẽ tranh hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 (huyện Ba Vì)...
Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo
So với các năm trước, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về cả không gian, thời gian tổ chức và số lượng, sự đa dạng các hoạt động, sự kiện. Lễ hội lần này đã quy tụ được nhiều chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Lễ hội không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô, là “sân chơi” cho các nghệ sĩ trẻ mà còn đặt nền tảng tích cực cho các không gian sáng tạo - tiền đề phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô trong những năm tới. Điều đó cũng cho thấy những nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện các cam kết sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019. Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh: Năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng - đó là 4 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO với tư cách là Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế. "Chúng tôi đã được lắng nghe các đồng nghiệp, những người thực hành sáng tạo và người dân Hà Nội chia sẻ những trải nghiệm và ấn tượng tích cực của họ về sự chuyển mình này của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này", bà Ramla Khalidi nói.
Sau 4 năm kể từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã bước đầu đưa văn hóa thành một trong những trụ cột chính nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO. Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…
Chia sẻ về ý nghĩa của lễ hội năm nay, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 tập trung vào 3 trụ cột chính là Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo nhằm kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo; đồng thời đặt tiền đề phát triển những di sản công nghiệp trở thành những các không gian sáng tạo và tạo ra các không gian sáng tạo có ý nghĩa lịch sử, đặt sự sáng tạo văn hóa trong dòng chảy giao thoa thời gian và thế hệ, nơi các nghệ sĩ và người dân ở mọi lứa tuổi khác nhau có cơ hội gặp nhau ở “điểm giao” là bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của văn hóa Hà Nội.
Lễ hội lần này cũng là sân chơi kết nối các bên nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch, không gian văn hóa sáng tạo đa dạng, chất lượng cho công chúng Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời hứa hẹn sẽ trở thành “bệ phóng” cho sức sáng tạo của Thủ đô, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khác phát triển. Đây cũng chính là nguồn lực quý giá để khơi nguồn sáng tạo của Thủ đô, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trung tâm sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.
Gửi phản hồi
In bài viết