Sản xuất và đóng gói gỗ xuất khẩu ở Công ty cổ phần Lâm sản Nam Ðịnh (tỉnh Nam Ðịnh). Ảnh: VIỆT THẮNG
Một năm đầy trái ngọt
Dẫn chứng kết quả xuất khẩu khả quan của Việt Nam sang EU trong nửa đầu năm 2021, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương khẳng định: Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA đã mang lại những tác động tích cực quan trọng bước đầu đối với Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, sáu tháng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so cùng kỳ năm 2020 (thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, tăng 19,1% so cùng kỳ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi trong EVFTA. Ðơn cử, tỷ lệ tận dụng ưu đãi mẫu C/O EUR1 của hàng giày dép đạt tới 99%; hàng thủy sản đạt 73,5%; túi xách và ví đạt 62,46%; dệt may đạt 16,26%;… qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang chia sẻ, sáu tháng đầu năm chứng kiến sự hồi phục và bứt phá trở lại của ngành dệt may với kim ngạch xuất khẩu đạt tới 18,79 tỷ USD, tăng 21,27% so cùng kỳ năm 2020 và 4,23% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường EU khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so cùng kỳ. EVFTA đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU và nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu dệt may sang EU có thể chỉ đạt khoảng 700 - 800 triệu USD.
Tương tự, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU sáu tháng đầu năm đạt khoảng 300 triệu USD, tăng tới 37% so cùng kỳ. Dẫn đầu EU về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Ðức đạt 62,23 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ; tiếp theo là Pháp đạt 55,04 triệu USD, tăng 29%; Hà Lan đạt 45,47 triệu USD, tăng 60%;... Chủ tịch Viforest Ðỗ Xuân Lập nhận định: Từ nay đến hết năm, các nước thành viên EU sẽ dần khôi phục các hoạt động kinh tế, du lịch và thương mại cũng mở cửa trở lại. Ðây là thời điểm ngành gỗ cũng như các DN cần nắm bắt cơ hội, khắc phục tác động xấu của dịch Covid-19 đang bùng phát trong nước để tìm kiếm đơn hàng, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu gỗ nhập khẩu, bảo đảm minh bạch, xuất xứ rõ ràng theo quy định quốc tế.
Không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực thương mại, EVFTA còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tính đến tháng 6-2021, EU đã có 2.221 dự án đầu tư tại Việt Nam, tăng 142 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD, tăng 449 triệu USD so cùng kỳ, chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số lượng dự án. Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái nhấn mạnh, EVFTA đã và đang mang lại những kết quả rất tích cực cho thương mại và đầu tư song phương. Ðiều đó cho thấy, DN của cả hai bên đang hiện thực hóa tốt những cơ hội và lợi ích mà hiệp định này mang lại.
Chung tay ứng phó thách thức
Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn và thách thức khiến cho việc tận dụng EVFTA chưa đạt kết quả mong đợi. Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Dịch bệnh cũng gây thiệt hại lớn cho nhiều DN Việt Nam, buộc họ phải có những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới. Chủ tịch Viforest Ðỗ Xuân Lập cho biết: Mặc dù được hưởng ưu đãi theo EVFTA, nhưng từ khi hiệp định có hiệu lực đến nay, do dịch bệnh liên tục gây trở ngại cho nên xuất khẩu gỗ cũng gặp nhiều thách thức. Theo dự tính, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm liên quan năm nay có thể tăng trưởng 20-30% so năm trước, nhưng giá cũng cao hơn do chi phí lớn, dẫn đến lãi giảm và tính bền vững của thị trường không bảo đảm. Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh phía nam đã khiến nhiều trung tâm chế biến gỗ lớn như: Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh phải giãn cách hoặc đóng cửa. Dự báo, những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang EU có thể giảm từ 10-12% so với sáu tháng đầu năm.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: EVFTA có hiệu lực đã tạo ra lợi thế lớn cho những DN đầu tư nghiêm túc vào thị trường gạo chất lượng cao nói chung và thị trường EU nói riêng, trong đó có LTG. Sau khi xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo EVFTA vào tháng 9-2020, “tên tuổi” của LTG đã được thị trường này biết đến. Tuy nhiên, trong bảy tháng đầu năm nay, Tập đoàn chỉ xuất được khoảng 4.000 tấn gạo vào thị trường EU, giảm 700 tấn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá cước container tăng cao đột biến, hiện gấp 6 - 10 lần so năm 2020. Ðặc biệt, tình trạng khan hiếm container đi châu Âu đã khiến các hợp đồng ký kết không thể triển khai dù Tập đoàn luôn sẵn sàng về hàng hóa. Do đó, giải phóng các container hàng nhập khẩu nhanh chóng và luân chuyển hợp lý để có thể đưa thêm được nhiều container vào đóng hàng xuất khẩu là mong muốn cấp bách của nhiều DN. Ngoài ra, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 cũng khiến việc vận chuyển, xuất khẩu hàng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài, có thể dẫn đến rủi ro DN bị khách hàng hoặc hãng tàu phạt. Ðây đang là những khó khăn lớn đối với LTG, nhất là trong điều kiện số lượng gạo tồn kho hiện ở mức cao.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính các DN. Cụ thể, phần đông DN hiện nay, nhất là DN nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh yếu, giá sản phẩm còn cao, chất lượng thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Ðồng thời, các DN cũng chưa thật sự chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển thương hiệu và chiến lược kinh doanh dài hạn. Ðáng chú ý, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 45% số DN xuất nhập khẩu chưa biết đến cam kết thuế quan liên quan đến ngành hàng của mình trong EVFTA. Ðiều này cho thấy, hoạt động tuyên truyền về EVFTA cần cụ thể hóa, đa dạng hơn nữa, đi sâu vào ngành hàng và lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm cũng như hướng đúng đối tượng doanh nghiệp hơn nữa.
Vừa qua, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai EVFTA thời gian qua cũng như đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy việc thực thi đạt hiệu quả. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đồng ý với các kiến nghị được đề xuất. Do đó, cơ hội khắc phục những tồn tại để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA trở nên rõ ràng hơn. Theo Bộ Công thương, việc thực thi hiệu quả EVFTA cần có sự chung tay của các bên liên quan. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thực thi hiệp định để bảo đảm hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực; phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, DN để giúp định hướng DN chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ EVFTA. Các đơn vị chức năng cũng cần kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện EVFTA; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.
Về phía DN, theo ông Nguyễn Anh Dương, cần nêu cao ý thức chủ động về mọi mặt, trong đó có việc chủ động tìm hiểu các cam kết của EVFTA, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, nhất là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ vào thị trường EU; tăng cường hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất;... Có như vậy mới bảo đảm được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA cũng như tiêu chuẩn cao của EU, từ đó tận dụng tốt hơn các cơ hội mà hiệp định này mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết