Trước đây, gia đình bà Lục Thị Luân, thôn Đồng Tâm, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) có hơn 1.200 m2 ruộng phải bỏ hoang vì khan hiếm nguồn nước tưới, sau nhiều năm loay hoay để tìm hướng chuyển đổi mục đích sử dụng, tháng 7 vừa qua, khi địa phương khuyến khích, vận động người dân phát triển trồng cây dưa chuột ta F1, gia đình bà đã đầu tư lưới, giàn leo để sản xuất dưa chuột. Đồng thời, ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương). Bà Luân cho biết, sau khi chuyển sang trồng dưa chuột theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, gia đình được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng vượt trội. Hơn nữa, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng sản phẩm lớn, gia đình bà không phải “chật vật” lo sợ khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản lượng thu hoạch dưa của gia đình đạt hơn 8 tấn quả, trừ chi phí gia đình thu lãi gần 50 triệu đồng, cao hơn 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng khác.
Mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).
Xã Hùng Mỹ là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của huyện Chiêm Hóa. Mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện tổng đàn trâu, bò của xã là 2.248 con, trong đó có gần 30 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2021, sản phẩm thịt trâu tươi và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thành Công đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tạo dựng sản phẩm đặc trưng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Người dân xã Kim Bình thực hiện mô hình liên kết trồng cây chanh leo.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ... Như mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật, liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) trồng với diện tích 16,5 ha, tập trung ở các xã Tân Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý, Linh Phú, Kim Bình với năng suất 60 tấn/ha, sản lượng tiêu thụ trên 990 tấn, doanh thu đạt trên 3,1 tỷ đồng, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha/vụ. Hay như mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thực hiện trên diện tích 257,4 ha, sản lượng đạt trên 2.600 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 2,1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ… Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.
Người dân xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) phát triển kinh tế từ mô hình liên kết trồng dưa chuột.
Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Chiêm Hóa chưa đa dạng về hình thức sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm trồng trọt; tập trung ở khu vực có trình độ dân trí cao, kinh tế phát triển… Do đó, để nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp bền vững, ngoài việc vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, địa phương thì các hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết cần tuân thủ theo đúng các quy định, tiêu chuẩn như đã cam kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, việc liên kết mới chặt chẽ, giúp người nông dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết