Vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm nguồn và chất lượng cây giống. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, năm 2017, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới, thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao, trong đó xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới (gồm: BH, CS1 - nhóm chín sớm; CT36, CT9 - nhóm chín trung bình; V2 - nhóm chín muộn) ở xã Tân Thành, Yên Phú, Bằng Cốc, Nhân Mục. Cây cam rải vụ không những giúp cho mùa vụ kéo dài ở nhiều thời điểm trong năm mà còn tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Đến nay, các giống này đang được nhân rộng, với diện tích cam CS1 là 20 ha, cam CT36 là 4 ha và cam V2 là 301 ha.
Mô hình trồng cây xạ đen của Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang).
Anh Trần Văn Đức, thôn Cầu Cao 2, xã Bạch Xa (Hàm Yên) chia sẻ, gia đình anh hiện có hơn 800 gốc cam. Trong đó có hơn 200 gốc cam V2, 600 gốc cam Vinh. Trước đây, người trồng cam như anh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ cam, nhất là sức ép tiêu thụ dồn dập vào trà chính vụ. Bởi vậy, ngay khi được xã, huyện tuyên truyền trồng cam rải vụ, cam chín muộn như cam V2, gia đình anh đã chuyển đổi một phần diện tích cam sành già cỗi sang trồng cam V2. Với ưu điểm nổi trội như: sinh trưởng nhanh, phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh và đặc biệt là giống chín muộn hơn so với các giống cam khác (thu hoạch cam từ khoảng tháng 12 tới tháng 3 năm sau), đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong và sau dịp Tết. Nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Dự án trồng thử nghiệm giống chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang) cũng mang lại thành công lớn. Từ diện tích 5 ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, xã Hồng Thái đã chuyển đổi được 45 ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng 2 loại chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên. Ở tuổi thứ 3, giống chè Phúc Vân Tiên đã cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha; giống chè Kim Tuyên đạt 3,1 tấn chè búp tươi/ha. Cả hai giống đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cho sản phẩm có chất lượng cao, là nguyên liệu chế biến các sản phẩm chè cao cấp như: trà Matcha, trà Ô Long, trà xanh. Đến nay, hai giống chè này đã nhân rộng được 45 ha trong tổng số 274 ha được quy hoạch vùng chè đặc sản trên địa bàn xã Hồng Thái.
Gia đình ông Lý Văn Đình, thôn Khuổi Phầy đi đầu chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng 5 ha chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên. Nhờ được tập huấn chuyển giao công nghệ, nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo phương pháp hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, 5 ha chè Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên vụ vừa rồi đã cho thu hoạch gần 25 tấn chè tươi. Với giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg, gia đình ông đã thu được 600 - 700 triệu đồng. Ông Đình chia sẻ, trước đây, cùng diện tích khi chưa trồng chè, gia đình ông trồng ngô mỗi năm chỉ thu được 2 - 3 triệu/1 ha, có năm mất mùa chỉ thu được 500 - 700 nghìn/1 ha.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2015 đến nay, tỉnh tiếp tục chọn tạo, tuyển chọn, phục tráng, nhân giống cây trồng có thế mạnh, cây trồng tốt góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu về cây trồng chủ lực như: Cây cam, chè, bưởi, mía, lạc, cây lâm nghiệp nhằm phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nổi bật như phục tráng thành công giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14 với diện tích vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.000 ha; nghiên cứu, tuyển chọn và nhân giống thành công hai dòng keo lai 102 và BV342 chu kỳ chỉ 5 năm; sản xuất thành công giống mía chín sớm, chín chính vụ và chín muộn: ROC22, KK33, My5514 bằng phương pháp nuôi cấy mô; nghiên cứu, nhân giống bằng hạt và thử nghiệm trồng rừng theo hướng tập trung cây gáo trắng bản địa (Neolamarckia cadamba); nghiên cứu trồng thử nghiệm một số cây trồng mới đã cho kết quả tốt như cây mắc ca ở huyện Lâm Bình, Yên Sơn; cây măng tây ở phường Ỷ La; cây dược liệu, sản xuất trà thảo dược xạ đen ở phường Phú Lâm, Ỷ La (TP Tuyên Quang)… mở hướng đi mới làm giàu cho người nông dân.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn tạo giống cây trồng thời gian qua thực sự đem lại hiệu quả thiết thực tạo ra nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao, mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết