Niềm vui của người nuôi cá trên hồ thủy điện

- Sau 2 năm người chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì tín hiệu vui đã đến khi giá cả tăng và đầu ra ổn định.

Hiện trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có hơn 1.250 lồng cá với hơn 100 hộ nuôi trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 HTX tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, tổng sản lượng khai thác đạt 900 tấn/năm. Việc phát triển chăn nuôi các loài cá đặc sản như: chiên, lăng, bỗng, diêu hồng, coi… đã giúp không ít hộ gia đình có thu nhập khá.

Anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) chăm sóc đàn cá của gia đình.

Anh Nguyễn Quang Minh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chăn nuôi 150 lồng cá tại khu vực Bến thủy, xã Thượng Lâm với 70% số lồng nuôi các loại cá truyền thống như: rô phi, trắm, chép, nheo... và 30% số lồng nuôi các loại cá đặc sản như: chiên, lăng, quất. Anh Minh cho biết, nguồn nước ở đây chảy ra từ các con suối trên rừng nguyên sinh mà tại đây lại chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, giúp cho cá nuôi ít bị bệnh, thịt lại săn chắc, thơm ngon. Để có cá xuất bán thường xuyên anh tiến hành nuôi gối đàn, bình quân mỗi tháng anh xuất bán từ 10-15 tấn cá thương phẩm, sản lượng mỗi năm khoảng trên dưới 100 tấn. Anh Minh chia sẻ, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát giá các loại cá giảm bình quân từ 100.000-200.000 đồng/kg mà cá cũng khó bán. Không những vậy giá thức ăn tăng, mỗi bao cám 25 kg trước đây giá bán là 360.000 đồng thì tăng vọt lên thành 450.000 đồng/bao. Bình quân mỗi tháng cơ sở chăn nuôi của anh tiêu thụ từ 20-30 tấn cám. Do vậy cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm gia đình phải giảm số lồng nuôi cá. Tuy nhiên từ năm 2022 khi thị trường trở lại ổn định cá nuôi lồng cũng đang có giá ổn định: cá quất, chiên ở mức 500.000 - 600.000 đồng/kg, cá bỗng 300.000 đồng/kg, cá lăng chấm 120.000 đồng/kg, cá lăng đen 80.000 đồng/kg. Giá cá thương phẩm trở lại ổn định khiến những người chăn nuôi như anh Minh có thêm động lực phát triển duy trì và phát triển nghề.

Bắt đầu chăn nuôi cá lồng từ năm 2018, anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) vay 78 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Đoàn để đầu tư 40 lồng nuôi cá trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Anh nuôi các loại cá đặc sản như: quất hoa, ngạnh đá... Nhận thấy chăn nuôi cá đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2020 anh đầu tư thêm 20 lồng nuôi, nâng tổng số lồng cá của gia đình lên 60 lồng. Anh Hà khẳng định, do chăn nuôi những loài cá đặc sản, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Những loài cá gia đình nuôi có thời gian từ 2-3 năm, khi cá có trọng lượng từ 2,5-3,5kg mới cho xuất bán. Các loại cá này chủ yếu ăn cá, tôm nhỏ được đánh bắt tại vùng lòng hồ nên chi phí không đáng kể. Vừa qua gia đình xuất bán hơn 30 tấn cá với giá bình quân 450.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Cá lăng nuôi trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Cá nuôi trong lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang có nhiều thuận lợi như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi cá lồng còn gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Số ít các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi cá lồng liên kết bao tiêu sản phẩm, phần lớn chỉ bán cho các thương lái vùng xuôi và các nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao, ngoài tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025, tỉnh đẩy mạnh tập huấn cho người dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng sạch; đẩy mạnh chăn nuôi các loại cá có giá trị cao, đặc sản như cá chiên, bỗng, lăng chấm... Đồng thời, các ngành chức năng tỉnh đang tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá  sản phẩm cho người dân; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ.

Song song với đó, tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, đảm bảo thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn, trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.100 tấn.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục