Nợ xấu tăng
Ngày 25-3-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh.
Qua thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến đầu quý IV-2022, nợ xấu của các ngân hàng là 360 tỷ đồng, chiếm 1,46% trên tổng dư nợ, so với 31-12-2021 tăng 208 tỷ đồng. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về tình hình tài chính và khả năng trả nợ. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng củng cố, chấn chỉnh hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đồng thời tập trung xử lý, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm dần hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục tiêu của ngành Ngân hàng tỉnh đề ra là không để nợ xấu vượt quá 2% trong tổng dư nợ.
Nhân viên Ngân hàng SHB Tuyên Quang tăng cường các biện pháp kiểm soát đầu tư tín dụng, hạn chế nợ xấu.
Theo đánh giá của các ngân hàng, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cực kỳ quan trọng, nếu không có biện pháp có thể dẫn đến nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung. Từ khi có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực, trong đó xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng hơn. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Đồng bộ các giải pháp xử lý
Để quá trình xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các bên liên quan. Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong công tác xử lý nợ xấu. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tiến hành khởi kiện, phát mại tài sản bảo đảm đối với những khách hàng có nợ xấu không còn khả năng trả nợ, không hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ.
Để xử lý nợ xấu, Agribank Tuyên Quang đã đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt, đồng thời tổ chức triển khai toàn chi nhánh để quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo, cũng như triển khai những cơ chế để xử lý nợ xấu. mục tiêu được quán triệt ngay từ đầu của Agribank là gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, nên trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng. Bằng các giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến hết quý III-2022, Agribank tỉnh đã xử lý được 90 tỷ đồng nợ xấu.
Ông Đỗ Mai Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, từ đầu năm đến hết quý III-2022, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc kiềm chế và xử lý nợ xấu. Kết quả, toàn ngành đã xử lý và thu hồi được 105 tỷ đồng tiền nợ xấu. Một số ngân hàng thực hiện xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt, như: Agribank là 90 tỷ đồng, BIDV Tuyên Quang 1,7 tỷ đồng, VietinBank Tuyên Quang 9 tỷ đồng và các ngân hàng còn lại xử lý được 4,3 tỷ đồng.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các ngân hàng nhằm chấn chỉnh và minh bạch hoạt động của các đơn vị; tập trung giám sát việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn không ngừng nâng cao năng lực quản lý và thẩm định các dự án đầu tư, lựa chọn các dự án đầu tư an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan như chính quyền địa phương, công an, tòa án, thi hành án dân sự... để thực hiện có hiệu quả việc thu hồi và xử lý nợ xấu.
Gửi phản hồi
In bài viết