Những năm gần đây, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người. Người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ coi việc quét mã QR, thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng như một thói quen hàng ngày. Khi mua sắm, ăn uống tại các cửa hàng, thay vì mang theo tiền mặt khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng thông qua smartphone có cài đặt ứng dụng chuyển khoản.
Chị Lê Thị Hoa, chủ cửa hàng tạp hóa ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, từ khi sử dụng dịch vụ quét mã QR của một số ngân hàng chị không còn lo về tiền giả, tiền rách, tiền không đủ giá trị lưu hành. Khách hàng chỉ cần quét mã QR là dễ dàng thanh toán còn chị thì tiết kiệm được thời gian giao dịch, không phải kiểm đếm tiền mặt, nhất là những lúc đông khách. Hàng ngày, trên 50% khách hàng mua sắm tại cửa hàng thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, quét mã QR, một số ít thanh toán qua ví điện tử: VNPay, ShopeePay...
Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR khi mua sắm tại Cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung, tổ 8,
phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Nếu như trước đây anh Trần Xuân Lâm, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) coi việc thanh toán qua chuyển khoản để hạn chế tiếp xúc khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì giờ lại thấy đây như một thói quen hàng ngày. Các khoản chi tiêu từ tiền điện thoại, tiền điện đến tiền học phí cho con sau khi nhận được thông báo anh đều thanh toán chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng. Đặc biệt, anh thấy mua hàng và thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí bởi nhiều ngân hàng hay sàn thương mại điện tử thường xuyên có chương trình khuyến mại hoàn tiền, miễn phí vận chuyển, ưu đãi giảm giá cho các giao dịch không tiền mặt. Từ đó, giúp anh tiết kiệm được các khoản không nhỏ.
Để chuyển đổi số toàn diện, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cam kết thực hiện chính sách phát triển tài khoản tới người dân. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã thiết kế và cài đặt mã QR miễn phí phù hợp với từng hộ kinh doanh, buôn bán; cử cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và thanh toán trên ứng dụng Mobile banking. Đến nay, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đơn vị đã phát triển 7 máy ATM, 66 POS, trên 1.000 điểm quét mã QR đang hoạt động.
Hiện có trên 128 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; 628 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng. Mục tiêu đến hết tháng 12-2022, đơn vị sẽ phát triển thêm 200 điểm quét mã QR. Từ đó góp phần mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng an toàn, tiện lợi. Ngân hàng cũng đã kết nối các dịch vụ thanh toán tiền khám, chữa bệnh bằng các phương thức không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Các giao dịch khi thực hiện thanh toán qua Mobile Banking, quét QR đều được miễn phí 100% phí dịch vụ...
Là thành viên thuộc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Tuyên Quang, ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố cho biết, phòng đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng. Thành phố hướng đến năm 2025 có trên 80% dân số sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 80% người dân cài đặt tài khoản thanh toán dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử. Khuyến khích các cửa hàng xây dựng website bán hàng điện tử, 100% siêu thị, 95% các hộ sản xuất nông nghiệp, chuỗi cửa hàng bách hóa tự chọn có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 95% cán bộ hưu trí nhận lương hưu qua tài khoản...
Sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động, tối ưu nền kinh tế đang lan tỏa trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán trực tuyến, người dân cần lưu ý không gửi mã OTP, mật khẩu cho người lạ, không ấn vào các đường link lạ gửi qua SMS; đặt mật khẩu đủ mạnh theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với các giao dịch có giá trị lớn...
Từ thành công bước đầu về thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố Tuyên Quang đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết