Để duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, tăng tỷ lệ phân luồng học sinh THCS, ngày 3/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 668/QĐ-UBND về Đề án thí điểm mở lớp học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp liên kết đào tạo trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS tại xã Yên Lâm.
Đồng chí Nguyễn Duy Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Hàm Yên chia sẻ, ban đầu, việc triển khai mô hình thí điểm gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết phụ huynh đều mong muốn con mình tập trung vào việc học văn hóa, tốt nghiệp THPT, sau đó học lên cao hơn hoặc trung cấp nghề. Do đó, trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lâm tổ chức tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh, người dân hiểu rõ đề án, năng lực của con em mình và ưu điểm của việc học đồng thời 2 chương trình. Sau 3 năm triển khai mô hình này, trung tâm đã mở 3 lớp nghề điện công nghiệp với 94 học sinh, số lượng học sinh tham gia năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2021 - 2022 có 26 học sinh; năm học 2022 - 2023 có 29 học sinh; năm học 2023 - 2024 có 39 học sinh. Các em học sinh chủ yếu là hộ nghèo, hộ khó khăn, dân tộc thiểu số, trong đó có 41 học sinh dân tộc Mông.
Một tiết học thực hành trong chương trình dạy kết hợp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lâm (Hàm Yên).
Tham gia chương trình học, các em được miễn học phí và hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng bán trú theo Nghị định số 81 của Chính phủ và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh. Các em được học tập theo hình thức lý thuyết kết hợp với thực hành, lấy thực hành làm chính. Đồng thời, các em học 8 môn học theo chương trình THPT. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp các em được tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm đảm bảo phù hợp với năng lực, kỹ năng ngành nghề được đào tạo, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm cho bản thân. Cùng với đó, với bằng trung cấp nghề, các em còn có thêm cơ hội để thi tuyển liên thông vào các hệ đại học liên thông hoặc thi tuyển ngay vào hệ cao đẳng nghề.
Thầy giáo Trần Minh Tuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Lâm cho biết, đây là mô hình hay, giải pháp thiết thực, góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. Sau 3 năm học, học sinh sẽ có 2 bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em đã có thể đi làm việc tại các công ty để kiếm sống, tiết kiệm được một khoản chi phí học tập, đi làm sớm hơn hoặc các em có thể học lên cao lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu. Do đó, hầu hết học sinh đều hào hứng học tập và có ý thức rèn nghề.
Em Tráng Thị Huyền đang theo học lớp 12 nghề điện công nghiệp cho biết, sau khi học hết lớp 9, em được thầy cô tư vấn học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp liên kết đào tạo trung cấp nghề. Ban đầu em cũng phân vân nhưng bố mẹ đều làm nghề nông, điều kiện kinh tế không dư dả nên em quyết định chọn học theo mô hình này, khi ra trường em vững tay nghề để tìm công việc ổn định giúp đỡ gia đình.
Còn em Hoàng Thị Sanh, lớp 12 nghề điện công nghiệp chia sẻ, chương trình học văn hóa tại đây không bị áp lực nhiều. Các thầy cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó. Sau 3 năm học, có trong tay bằng THPT và bằng trung cấp nghề, em có thể đi làm ngay và nếu có cơ hội thì liên thông lên cao đẳng. Điều này sẽ giúp em tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc học.
Để đề án thành công, cần sự vào cuộc của nhiều phía: Học sinh, gia đình, trường học và cơ sở dạy nghề. Về phía học sinh, cần phải có thái độ, động cơ học tập rõ ràng; phụ huynh cần quan tâm, tạo điều kiện để các em yên tâm học tập; nhà trường cần đảm bảo các điều kiện tổ chức lớp học, nâng cao trình độ giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo của học sinh...
Gửi phản hồi
In bài viết