Ðồng chí Đỗ Minh Tân, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức tuyên truyền về cuộc vận động với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng, sử dụng hàng Việt và hàng trong tỉnh sản xuất... từng bước xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy trình khép kín từ khi sản xuất đến thành phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là phát triển thương mại điện tử; hợp tác, liên kết vùng để kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản OCOP của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, số 69-71 đường Lý Thái Tổ, tổ 9, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Ban Chỉ đạo đã lồng ghép cuộc vận động với các phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang”; “Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sử dụng sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Đến nay, các sản phẩm nông sản của tỉnh không những đến được với bà con vùng sâu, vùng xa mà còn được phân phối, tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ... góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (Hợp tác xã Sáng Nhung) cho biết, điểm nhấn đầy tự hào của HTX Sáng Nhung là hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch, nông sản xanh tại tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Với hệ thống chăn nuôi lợn khép kín tại xã Đông Thọ (Sơn Dương) đạt tiêu chuẩn VietGAP, thức ăn chất lượng cao, phối trộn thảo dược thiên nhiên, lợn nuôi của hợp tác xã đảm bảo không dùng chất tăng trọng, không chất tạo nạc, không chất bảo quản, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Sáng Nhung tự hào cung cấp nguồn thịt lợn thảo dược, thịt mát, xúc xích, lạp sườn; giò lụa, ruốc, chả quế... đa dạng, chất lượng cho bữa ăn của các gia đình trên địa bàn thành phố. Hiện nay, nguồn cung của Hợp tác xã Sáng Nhung đã vươn rộng ra thị trường Hà Nội, Hà Giang và được người tiêu dùng ưa chuộng, đó chính là động lực để hợp tác xã duy trì, phát triển các sản phẩm tốt, chất lượng đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Với mong muốn đưa những sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng cũng như giúp người sản xuất có thể yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương là một trong những giám đốc đã sớm kết nối cung cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Năm 2020, anh mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản OCOP Tâm Hương tại đường 17-8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Năm 2021, anh tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại số 312, Đại lộ Tân Trào (TP Tuyên Quang). Đến nay, Hợp tác xã Tâm Hương đã có 3 cơ sở chuyên giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản OCOP của các địa phương trong tỉnh. Người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm nông sản chất lượng như chè Shan Tuyết Hồng Thái, rượu ngô men lá Na Hang; thịt trâu khô; mật ong, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương; cá Lăng, cá Tầm; cá Chiên, cá Quất, cá Bỗng; nấm sò tươi, tinh bột nghệ, gạo đặc sản... của các địa phương trong tỉnh tại số nhà 312 đường Tân Trào; số 69-71, đường Lý Thái Tổ, tổ 9, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hoặc trong khuôn viên chợ đêm tổ 4, thị trấn Na Hang để mua các sản phẩm OCOP nông sản đặc trưng của tỉnh.
Chị Phạm Thị Duyên, tổ 11, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, mặc dù nhà chị gần chợ, gần các đại lý nhưng chị vẫn cảm thấy rất vui và yên tâm mỗi khi ghé cửa hàng bán các sản phẩm OCOP của tỉnh để mua các loại cá đặc sản sạch như cá lăng, cá tầm về chế biến món ăn trong gia đình hàng ngày. Chị bảo những món ngon của đồng bào vùng cao như thịt bò khô miếng, thịt trâu gác bếp, rượu ngô men lá; lọ măng ớt... là những thức tiện ích, không mấy khi thiếu vắng trên mâm cơm nhà chị mỗi khi có khách. Bạn từ xa đến thì ghé cửa hàng OCOP một loáng là có thể có những thức quà thơm thảo, đặc trưng miền núi cho bạn làm quà như chè Shan Tuyết, mật ong; bún cốm xanh; gói thảo dược lá tắm của dân tộc Dao; hay hộp trà hoa vàng, tinh bột nghệ cao cấp xinh xắn...
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối cung cầu, mở rộng đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng, tiêu thụ hàng Việt và hàng trong tỉnh sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo sức bật cho kinh tế nông thôn, khẳng định vị thế, niềm tự hào hàng Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết