Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai 7 đề án khuyến công quốc gia và 18 đề án khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ trên 4,1 tỷ đồng. Các đề án tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm lợi thế, tiêu biểu như: chế biến gỗ, chế biến nông sản, dược liệu, gia công cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ... Điển hình như HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) sau thời gian hoạt động, HTX nhận thấy sự cần thiết của việc đầu tư mới hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc bỏ ra số tiền lớn để mua sắm thiết bị đối với HTX là việc khó khăn, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua mới thiết bị sản xuất mỳ sợi gồm hệ thống sấy và máy ép bột thủy lực với số tiền 270 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng.
Được hỗ trợ hệ thống sấy mỳ sợi từ đề án khuyến công, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp
Thuật Yến đã chủ động hơn trong sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến cho biết, đầu năm 2022, sau khi được hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư thiết bị và đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của cơ sở tăng lên rõ rệt; tạo việc làm cho 11 lao động với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng. Thiết bị sấy mì sợi hoạt động với công suất cao đã thay đổi cách làm thủ công trước đây, giúp HTX sản xuất được quanh năm thay vì phải phụ thuộc vào thời tiết như trước, sản phẩm sau khi làm ra đảm bảo vệ sinh hơn cách làm cũ. Nếu trước đây mỗi năm chỉ sản xuất được 95 tấn thành phẩm thì giờ HTX sẽ sản xuất được 320 tấn mỳ sợi mỗi năm, doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Hiện nay, sản phẩm mỳ gạo Thuật Yến đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh; được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Không ít đề án sau khi được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Đề án hỗ trợ ứng dụng dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, gia công cơ khí tại hộ kinh doanh Trần Minh Sơn, tổ 5, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm; Đề án hỗ trợ ứng dụng dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre tại HTX Nhật Minh, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 5 triệu đồng/người/tháng, năng suất lao động tăng gấp 10 lần so với sản xuất thủ công; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất trà túi lọc tại Công ty TNHH Nhất Tâm Đường, thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại hộ kinh doanh Nguyễn Duy Hanh, thôn Cây Đa, xã Thượng Ấm (Sơn Dương), giúp rút ngắn các công đoạn thủ công, tăng độ chính xác trong quá trình sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế...
Áp dụng hệ thống máy móc hiện đại giúp sản phẩm của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp
Thuật Yến được nâng cao chất lượng.
Bên cạnh việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng năm, Trung tâm Khuyến công tỉnh còn giới thiệu, kết nối các cơ sở tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu trong nước, tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu học hỏi, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm... Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, công tác khuyến công những năm gần đây tăng về quy mô, kinh phí và được thực hiện đều khắp trên địa bàn các huyện, thành phố. Hàng năm, trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch, Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố, bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm, rà soát đúng đối tượng để tránh lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn những đề án có sức lan tỏa, khai thác được lợi thế của địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Hoạt động khuyến công chính là động lực, là đòn bẩy cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị, mở rộng sản xuất. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; chủ động xây dựng các đề án mang tính đồng bộ; ưu tiên thực hiện đề án tại các xã xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ về thị trường, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh...
Gửi phản hồi
In bài viết