Ảnh minh họa.
Thị trường Việt Nam có khoảng gần 40 triệu tín chỉ carbon, nhưng thực tế còn cao hơn và các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… đều có thể tạo ra tín chỉ carbon. Đáng chú ý, dự kiến trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có hàng triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm nhu cầu trao đổi hoặc mua bán lớn. Do vậy, việc hình thành thị trường carbon sẽ giúp cho Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả; đồng thời tăng khả năng tương thích với các cơ quan định chế giá carbon quốc tế.
Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon...
Đặc biệt, từ năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức với các hoạt động kết nối, trao đổi trong nước với thị trường khu vực và thế giới.
Để hoàn thành các mục tiêu đề án đề ra, nhất là việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức vào năm 2028, trước hết các đơn vị quản lý nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải, lộ trình giảm phát thải cho từng ngành, tiểu ngành một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, việc nắm bắt thông tin và chuẩn bị kỹ để tham gia thị trường thông qua việc nâng cao năng lực kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo và thẩm định các hoạt động phát thải khí nhà kính cấp ngành, cấp cơ sở; tính toán các kịch bản giảm phát thải là việc làm cấp thiết và cần có lộ trình phù hợp đơn vị mình.
Trên cơ sở tổng hợp hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm cho giai đoạn 2026-2030 và hằng năm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon và quản lý, theo dõi, giám sát thị trường này; xây dựng cụ thể quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường carbon.
Nhà nước cần ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; các quy định nhằm minh bạch hóa thị trường, tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu quốc tế.
Triển khai tốt thị trường carbon, sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam giúp doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp; thúc đẩy công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp.
Gửi phản hồi
In bài viết