Đa dạng, linh hoạt cách thức hỗ trợ
Nhằm giúp phụ nữ phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, làm giàu chính đáng, các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ chị em. Trong đó, Hội LHPN tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ sở Hội, tích cực nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế để có cách thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức các Ngày Phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, nâng cao năng lực, kiến thức cho các cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TT&VV), nhóm cùng sở thích, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ tham gia. Hội tổ chức, tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm do chị em sản xuất tại tỉnh và Trung ương. Đồng thời, hướng dẫn, vận động chị em có dự án, ý tưởng khởi nghiệp mạnh dạn tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức...
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Lâm Bình tham quan mô hình kinh tế của chị Chúc Thị Nải, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).
Tháng 9-2023 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức chương trình thực tế tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn huyện Hàm Yên cho 47 cán bộ, hội viên phụ nữ xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Qua đó, giúp chị em nắm bắt được một số kinh nghiệm trong nhân giống, kinh nghiệm và kỹ thuật trong trồng cây, chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, cách làm kinh tế hiệu quả... để áp dụng trong phát triển kinh tế gia đình.
Hội LHPN ở cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng kinh tế hộ; tham gia phát triển kinh tế tập thể; tích cực tham gia chương trình mỗi xã sản phẩm trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương; khôi phục các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và tiêu dùng. Các cơ sở Hội đã hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 25.690 thành viên/751 Tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 1.283,750 tỷ đồng. Thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 14.279 thành viên/625 Tổ vay vốn với dư nợ là 1.434,546 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh cho 1.723 thành viên/178 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 16,789 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, 138/138 cơ sở Hội Phụ nữ đã được hỗ trợ duy trì và xây dựng được mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm. Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 3 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 25 nhóm cùng sở thích về phát triển kinh tế; hướng dẫn xây dựng và hoàn thành 22 dự án/ý tưởng của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội tổ chức; hỗ trợ 2 nhóm cùng sở thích vay vốn, mỗi nhóm vay 50 triệu đồng (không lãi suất) từ nguồn vốn xã hội hóa do Hội LHPN tỉnh khai thác.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả
Những năm gần đây, một số dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống lao động sản xuất, kinh doanh của người dân, trong đó có phụ nữ. Sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ là "liều thuốc bổ” giúp nhiều chị em thêm động lực, chủ động khắc phục khó khăn và xây dựng, phát triển được những mô hình kinh tế hiệu quả.
Do thiếu vốn sản xuất nên những năm trước chị Chúc Thị Nải, dân tộc Dao, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chỉ tập trung làm ruộng. Năm 2018, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền và đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho chị vay 50 triệu đồng đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, trồng cây quế. Năm 2022, chị được vay thêm 50 triệu đồng nữa để mở rộng mô hình. Hiện chị đang có 1,6 ha đất trồng bưởi, chanh, ổi, hồng và 1 ha đất trồng cây quế. Từ năm 2021, mô hình đã đem lại cho gia đình chị nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm (trừ chi phí). Mô hình còn tạo việc làm cho 7 - 8 lao động mùa vụ tại thôn, với mức tiền công 250.000 đồng/ngày. Mới đây, chị được tham gia lớp tập huấn của Hội LHPN tỉnh tổ chức. Qua đó, chị biết thêm được các kiến thức, kinh nghiệm để bán hàng trên mạng xã hội, lan tỏa mô hình kinh tế của mình đến nhiều hội viên, phụ nữ trong và ngoài xã.
Là người hay lam hay làm, nổi tiếng siêng năng ở thôn Chuông, xã Hà Lang (Chiêm Hóa), Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Hoàng Thị Thúy sớm xây dựng cho mình mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Từ năm 2021, chị chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng dưa chuột, rồi trồng ớt, trồng chanh leo... Chị bảo, hễ có Hợp tác xã nào đến liên hệ ký hợp đồng là chị đều đứng ra nhận làm trước. Như vụ trước, chị trồng 2.000 m2 ớt, 1.200 m2 chanh leo, 2.000 m2 dưa chuột và nuôi gần 50 con dê thịt. Toàn bộ các sản phẩm chị làm ra đều được các hợp tác xã bao tiêu đầu ra, do vậy, cứ thu hoạch là có người đến tận ruộng thu mua, với giá bán ổn định. Sau trừ chi phí chị thu lãi trên 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, chị vận động chị em làm theo. Đến nay, trừ các chị em đi làm ăn xa còn lại 100% chị em ở thôn đều tham gia làm cùng chị. Vụ đông này, cả thôn chị không có mảnh ruộng nào để không.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Tươi Minh cho biết, để giúp hội viên phụ nữ tiếp tục phát triển kinh tế có hiệu quả, làm giàu chính đáng, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên nắm bắt các nhu cầu phát triển kinh tế của hội viên để có các giải pháp, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp. Thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất kinh doanh; động viên, khuyến khích phụ nữ tự tin phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, có hiệu quả; tổ chức cho các cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế đã thành công. Hội sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, đặc biệt là Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết