Băn khoăn về tiêu chí
Theo Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ cần phải có đủ điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa... Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 3.710.000 đồng/người bằng phương thức chi trả 1 lần.
Ngay sau khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, những người làm du lịch bày tỏ niềm vui, phần nào giúp cho một bộ phận lao động trong ngành được hỗ trợ khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, đây là sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với những đối tượng lao động yếu thế trong xã hội, hiện đang phải tạm dừng làm việc.
Tuy nhiên, để triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tới đối tượng là hướng dẫn viên lại gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trên nhiều diễn đàn của hướng dẫn viên, các câu lạc bộ du lịch, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, một số điều kiện không thật sự phù hợp với đặc thù lao động của hướng dẫn viên du lịch.
Chị Lê Thị Lan, hướng dẫn viên có thẻ hành nghề do Sở Du lịch Hà Nội cấp cho biết, nhiều đơn vị không ký hợp đồng dài hạn với các hướng dẫn viên, mà chỉ ký ngắn hạn 3 tháng hoặc theo mùa vụ. Hơn nữa, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay, có đến 90% công ty du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, nên phần lớn các hướng dẫn viên bị dừng hợp đồng.
“Bởi vậy, yêu cầu hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp là rất khó khăn vì trên thực tế phần lớn các hướng dẫn viên hoạt động tự do”, chị Lê Thị Lan chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Khắc Tiệp, một hướng dẫn viên lâu năm chuyên mảng đón khách quốc tế, từ tháng 3-2020 đến nay, lượng khách quốc tế vào Việt Nam giảm đi rất nhiều, nên đa số công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam đã chuyển hướng sang làm du lịch nội địa. Hướng dẫn viên quốc tế không có việc làm, rất nhiều người đã bị dừng hợp đồng lao động.
Cần có hướng dẫn để hỗ trợ đúng đối tượng
Theo Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, hiện có khoảng 28.000 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ hành nghề, song có đến 90% lao động tự do và có rất ít hướng dẫn viên là hội viên của Hội. Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam Bùi Văn Dũng cho biết, vì là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nên các hướng dẫn viên tham gia Hội trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
“Hội được thành lập với mục đích bảo vệ quyền lợi cho các hướng dẫn viên cũng như quản lý hoạt động của hội viên, tránh tình trạng hoạt động lộn xộn. Với đặc thù hoạt động tự do, nếu không phải là hội viên, nhiều hướng dẫn viên khó được bảo vệ đầy đủ quyền lợi”, ông Bùi Văn Dũng nói.
Liên quan đến việc này, Sở Du lịch Hà Nội đã nhận được hồ sơ của nhiều hướng dẫn viên gửi đến để xin được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, song do vẫn đang chờ thêm hướng dẫn chi tiết từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị hướng dẫn cụ thể về loại hợp đồng trong hồ sơ, thời điểm xác thực về loại hợp đồng này cũng như các tiêu chí khác để bảo đảm cho việc chi trả công bằng, đúng người, đúng luật.
“Hướng dẫn viên là nghề đi lại nhiều, nên về nguyên tắc nộp hồ sơ ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Để tránh trục lợi chính sách, thì phải có sự liên thông dữ liệu xác nhận đã hưởng nhằm tránh trường hợp nhận hỗ trợ 2 nơi hoặc nhận hỗ trợ dạng lao động ngừng việc khác. Về quy trình, Sở Du lịch sẽ là đơn vị nhận, thẩm định hồ sơ, báo cáo UBND thành phố để ra quyết định hỗ trợ, nhưng chi trả sẽ do địa phương thực hiện”, bà Đặng Hương Giang cho biết thêm.
Gửi phản hồi
In bài viết