Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", do Bộ Tư pháp tổ chức.
Diễn đàn nằm trong nỗ lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp thực hiện trong suốt hơn 12 năm qua.
Đây là kênh quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng cũng như các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp; đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hơn tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mình, hiểu rõ hơn vai trò của mình trong quá trình đóng góp xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Diễn đàn nằm trong nỗ lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp thực hiện trong suốt hơn 12 năm qua - Ảnh: VGP/Hải Minh
Diễn đàn cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều thách thức to lớn nổi lên ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội.
Môi trường quốc tế bất ổn và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều khó khăn rất lớn, chưa có tiền lệ, nhất là trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động bất lợi...
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Việc cơ quan nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này.
Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản, Phó Thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, đồng thời nhấn mạnh điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp.
Các hiệp hội ngành nghề/ngành hàng cũng đã chủ động, tích cực hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho các thành viên. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định "hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh".
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn bàn sâu về môi trường thể chế, hành lang/khuôn khổ pháp lý, việc tiếp cận các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện các vướng mắc, những vấn đề pháp lý đang là điểm nghẽn, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan…, từ đó đề xuất nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình mới.
Diễn đàn cần đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, cũng như trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực và khả thi, có thể tập trung vào các nội dung như: Tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế,...
Từ việc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý và đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, diễn đàn cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.
Lộ trình này cần bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) về phát triển kinh tế-xã hội; có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Đồng thời, lộ trình cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; cần có cách thức hỗ trợ hữu hiệu để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" - vừa tuân thủ tốt pháp luật, vừa có khả năng nhận diện, đánh giá, phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực gợi ý Bộ Tư pháp nghiên cứu việc đưa Diễn đàn thành sự kiện thường niên, với uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao và có sự tham gia ngày càng rộng rãi, thực sự trở thành kênh trao đổi hữu hiệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến pháp lý, đảm bảo sự hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải thực chất, hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại Diễn đàn để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý để giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý.
Gửi phản hồi
In bài viết