Rừng keo cấy mô của bà Bùi Thị Diện, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) được gần 4 năm tuổi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 448.681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.934 ha rừng đặc dụng, hơn 121.629 ha rừng phòng hộ, hơn 280.117 ha rừng sản xuất. Phát huy lợi thế của các địa phương, từ năm 2018 đến nay, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho các hộ gia đình thực hiện trồng mới trên 4.579 ha. Trong đó diện tích rừng đã trồng trên 3.380 ha. Cụ thể, huyện Lâm Bình đã trồng 149,9 ha, Na Hang 127,9 ha; Chiêm Hóa 238,57 ha; Hàm Yên 1.242 ha; Yên Sơn 2.550 ha; Sơn Dương 184,91 ha và thành phố Tuyên Quang 85,92 ha. Năm 2021, sẽ tiếp tục trồng trên 1.199 ha.
Yên Sơn là một trong những huyện có nhiều xã có diện tích đất trồng rừng sản xuất lớn như xã Kiến Thiết, Tân Tiến, Trung Trực, Phú Thịnh, Công Đa… Thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, huyện đã rà roát diện tích đất trồng rừng đủ điều kiện để hỗ trợ cây giống. Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân về lợi ích cũng như hiệu quả của việc trồng cây giống chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 2.550 ha diện tích cây giống chất lượng cao.
Phú Thịnh 4 năm qua đã hỗ trợ 138 hộ dân trồng gần 195 ha rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đồng chí Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao rất thiết thực đối với hộ dân trồng rừng trên địa bàn xã. Chính sách vừa giúp người dân giảm chi phí đầu vào với số tiền trên 10 triệu đồng/ha, chất lượng cây giống tốt bảo đảm quá trình sinh trưởng không bị chết. Từ đó khuyến khích được người dân trồng rừng keo phát triển kinh tế hiệu quả hơn trước.
Xã Hùng Đức được hỗ trợ nhiều nhất của huyện Hàm Yên, trung bình mỗi năm 200 ha. Đồng chí Hà Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có diện tích rừng sản xuất trên 4.500 ha, đời sống nhân dân còn hạn chế nên việc hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho hộ dân trồng rừng phát triển kinh tế là sự hỗ trợ thiết thực và cần thiết. Nhờ có sự hỗ trợ này mà phong trào trồng keo đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Năm 2018, thôn Uổm, xã Hùng Đức có 9 hộ gia đình được hỗ trợ cây giống chất lượng cao với diện tích 13,9 ha. Sau hơn 3 năm trồng, chăm sóc, đến nay toàn bộ diện tích đều phát triển tốt, ít sâu bệnh. Bà Hà Thị Hương, thôn Uổm cho biết, gia đình bà đăng ký 3 ha thực hiện trồng rừng theo chương trình hỗ trợ cây giống chất lượng cao là cây keo lai mô. Do làm tốt các khâu xử lý thực bì, quốc hố, bón phân... đến nay 3 ha keo của gia đình bà đều phát triển tốt, cao từ 5 đến 6 m.
Bà Lê Thị Thanh Hà, Trưởng phòng sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Diện tích rừng keo mô chưa đến tuổi khai thác nhưng qua theo dõi, đánh giá, cây keo lai nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm nhờ sinh trưởng nhanh. Cây keo lai nuôi cấy mô được trẻ hóa, trồng rừng tỷ lệ sống 90% trở lên, trong vòng 3 năm tuổi cây không có hiện tượng ra hoa, tuổi thọ dài hơn 10 năm nên sẽ có ưu thế hơn trong sản xuất gỗ lớn, năng suất có thể đạt trên 100 m3/ha/chu kỳ 7 năm và trên 150 m3/ha/chu kỳ 10 năm. So với giống keo lai hom thì keo lai nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội như: Cây con có độ dẻo dai nên trong quá trình vận chuyển cây ít bị gãy, cây trồng trong điều kiện thời tiết tốt tỷ lệ sống từ 95% trở lên, trong đó các giống keo khác tỷ lệ cây sống chỉ khoảng 80%. Cây trồng cùng thời điểm và được chăm sóc trong điều kiện như nhau nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính và chiều cao thân cây lớn so với keo lai hom, cây 4 năm tuổi đạt chiều cao hơn 10 m, đường kính thân cây đạt trung bình hơn 30 cm, cây chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt.
Đồng chí Trần Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 đã làm chuyển biến nhận thức về việc sử dụng giống tốt trong sản xuất lâm nghiệp của người dân. Qua đó, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập của người làm nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết