Đây là chương trình tìm hiểu và thực hành nghệ thuật dành cho học sinh, với các lĩnh vực hội họa: Sơn mài truyền thống, sơn dầu, lụa, tranh đồ họa và các buổi trò chuyện về phương thức sáng tạo mang đậm dấu ấn Việt Nam.
- Dự án “Hồi hải mã” bắt đầu từ cuối năm 2019 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực hội họa. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về các khóa học này?
- Dự án gồm nhiều khóa học khác nhau. Cụ thể, với khóa học sơn mài, chúng tôi mời họa sĩ Nguyễn Tuấn Anh, họa sĩ Triệu Khắc Tiến nói chuyện về sơn mài truyền thống để các bạn học sinh hiểu rõ hơn về sự khác biệt của nghệ thuật sơn mài nước ta với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nước Đông Nam Á. Với khóa học về tranh đồ họa, chúng tôi mời họa sĩ Trương Triều Dương, họa sĩ Vũ Bạch Liên chia sẻ về lịch sử nghệ thuật đồ họa, sự lên ngôi của đồ họa hiện nay... Chúng tôi còn tổ chức khóa học về sơn dầu và lụa nữa. Đặc biệt là có 2 buổi nói chuyện về cảm nhận nghệ thuật, tiếp xúc với nghệ thuật, giúp cho các bạn hiểu rằng tại sao một tác phẩm nghệ thuật lại có giá trị tinh thần và cả giá trị vật chất cho tương lai như thế...
- Vì sao anh hướng đến đối tượng là học sinh?
- Chúng tôi hướng đến những bạn trẻ, thường là học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở. Các bạn trẻ tuy không phải ai cũng theo con đường nghệ thuật, sau này có thể làm công việc khác nhưng khi được trang bị kiến thức nền tảng, họ có thể hiểu rõ hơn những giá trị nghệ thuật của đất nước mình.
- Có đơn điệu không nếu việc tìm hiểu nghệ thuật chỉ diễn ra trong một nhóm nhỏ, với sự hướng dẫn hay trò chuyện của các nghệ sĩ chuyên ngành?
- Chúng tôi mong muốn các bạn tham gia trực tiếp vào dự án sẽ lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến các bạn cùng trang lứa. Chúng tôi đặt chủ đề “Ký ức” cho sáng tác của các bạn tham gia dự án. Các bạn sẽ bán những tác phẩm của mình tại triển lãm để làm từ thiện. Sau triển lãm, chúng tôi còn có hoạt động workshop để các bạn trực tiếp hướng dẫn khách tham gia, cùng giao lưu, nói chuyện về nghệ thuật, về làm tranh. Thông qua đó, các bạn hiểu được rằng, nghệ thuật không phải chỉ để trang trí mà còn có giá trị kết nối cộng đồng, mang đến ý nghĩa nhân văn.
- Để có thể tham gia dự án này, các bạn học sinh được tuyển lựa như thế nào?
- Chúng tôi tuyển chọn qua một số vòng. Vòng đầu tiên, các bạn gửi hồ sơ gồm có những bức tranh đã vẽ. Một hội đồng gồm các nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghề sẽ chấm chọn. Ai đạt thì tiếp tục tham gia thi. Một khóa chúng tôi chỉ chọn được 4 - 5 bạn học sinh thôi chứ không nhiều, bởi chúng tôi đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Đến bây giờ, cách thể hiện tác phẩm của các bạn ấy sâu sắc hơn rất nhiều.
- Là một họa sĩ trẻ, điều gì thúc đẩy anh và các cộng sự làm dự án nghệ thuật “Hồi hải mã”?
- Tôi cảm thấy có nhiều cái thiếu trong thị trường nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật của chúng ta còn rất hạn chế do tình trạng làm giả tranh khá phổ biến. Phải làm sao cho thế hệ sau hiểu được giá trị nghệ thuật như thế nào. Giá trị ấy không thể xây dựng trong một sớm một chiều mà cần một thời gian rất dài.
Còn với riêng tôi, nếu chỉ dừng lại ở những triển lãm cá nhân, có thể tôi sẽ được nhiều người biết tới. Nhưng điều đó cũng chỉ là quảng cáo, giới thiệu cho một mình mình. Xung quanh mình có nhiều nghệ sĩ khác. Tôi mong muốn tạo một cộng đồng cùng nhau xây dựng giá trị thẩm mỹ mang tính thế hệ. Không cần phải có kinh phí lớn thì mới làm được dự án. Làm dự án nghệ thuật trên mạng xã hội là một ý tưởng rất hay, nhất là khi kinh phí bị hạn chế.
- Anh có thể chia sẻ về ý tưởng của mình sau khi kết thúc dự án?
- Sau khi kết thúc dự án, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các bạn trẻ này bởi vì họ đã có mạch sáng tác, có cách nhìn nhận tích cực về nghệ thuật. Dự án sau sẽ đẩy mạnh tính cộng đồng và sức lan tỏa. Từ ý tưởng cá nhân, chúng tôi sẽ mời những nghệ sĩ phù hợp tham gia hướng dẫn.
- Cảm ơn họa sĩ Đặng Việt Linh đã chia sẻ!
Gửi phản hồi
In bài viết