Hoàn thiện định hướng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

Hoàn thiện định hướng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là một trong những vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến vận mệnh, tương lai của quốc gia - dân tộc. Trong tình hình mới, cần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục bổ sung rõ hơn, rộng hơn, toàn diện hơn, nhất là những vấn đề mới về định hướng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1- Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một thực thể hoàn chỉnh, thống nhất về mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, bao gồm toàn bộ các yếu tố lãnh thổ, dân cư, các giá trị văn hóa, lịch sử, quyền dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ cả hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong một chỉnh thể thống nhất; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(1).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tên lửa bờ 681, Quân chủng Hải quân _Ảnh: TTXVN

Trong 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và đặc biệt là hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Tình hình đất nước cơ bản ổn định, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thử thách đan xen. Đại hội XIII của Đảng nhận định “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”(2).

Bên cạnh đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với các âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, như “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp từ bên ngoài kết hợp gây mất ổn định từ bên trong, lợi dụng, kích động vấn đề dân tộc, nhân quyền, tôn giáo hòng chống phá ta trên các lĩnh vực, tạo dựng lực lượng chống đối nhằm thủ tiêu chế độ, hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng,... Đứng trước những khó khăn, thách thức nêu trên, việc bổ sung rõ hơn, rộng hơn, toàn diện hơn về định hướng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là vấn đề hệ trọng và cấp thiết.

2- Để hoàn thiện định hướng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần nhận thức và thực hiện một số giải pháp cơ bản, trọng yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết, kiên trì thực hiện đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, lấy đó làm kim chỉ nam cho việc hoàn thiện định hướng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định đến thành bại của việc thực thi định hướng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong quá trình thực hiện Cương lĩnh chính trị, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học, nhạy bén, Đảng ta đã đề ra đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3). Như vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt, nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn cả về nội hàm và phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây được Văn kiện lần này chỉ rõ: Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa(4); phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận dụng nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ phải gắn với xây dựng Tổ quốc, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của bảo vệ Tổ quốc là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng, phát triển đất nước sẽ tác động trở lại tạo cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giải quyết mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa việc bảo vệ Tổ quốc về mặt tự nhiên - lịch sử với việc bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội trong tính chỉnh thể thống nhất; chỉ rõ hướng đích phát triển đất nước là theo định hướng xã hội chủ nghĩa; vì vậy, phải gắn chặt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; phải gắn chặt việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội với bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mục tiêu nêu trên đã khẳng định rõ lập trường và ý chí của toàn dân tộc quyết tâm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhờ đó, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, phát huy nội lực với tranh thủ ngoại lực, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để xây dựng và phát triển đất nước.

Thắm tình quân dân _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Hai là, bổ sung nhận thức mới về phương châm bảo vệ Tổ quốc.

Phương châm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc là vấn đề rất quan trọng, là cơ sở để xác định đúng mục tiêu, phương thức, cách thức để bảo vệ sự bất khả xâm phạm của quốc gia, bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Một số nội dung trọng yếu cần được bổ sung là: nắm chắc tình hình và giải quyết đồng bộ các vấn đề do thực tiễn đặt ra; dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực, tình hình trong nước và từng địa bàn cụ thể; chủ động nhận diện những thách thức quốc phòng, an ninh, các tình huống xảy ra; đưa ra các định hướng hành động chính xác, kịp thời, linh hoạt để đối phó hiệu quả với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Mục tiêu tối ưu của việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chính là ngăn ngừa, đẩy lùi và đập tan các nguy cơ xung đột, bất ổn, sẵn sàng ứng phó và ứng phó thành công trong mọi tình huống.

Đảng ta xác định, ““chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”(5). Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa nguy”, phát triển tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” để xác định rõ phương thức, giải pháp “chủ động phòng ngừa” là chính. Điều đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nhằm chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi, giải tỏa các “điểm nóng”, các nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang; nhất là việc chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng và đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và toàn cầu hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp đấu tranh quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, hành động sai trái, thù địch, xuyên tạc, mưu toan hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên tinh thần Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(6). Vấn đề đặt ra là, Việt Nam cần chú trọng hợp tác song phương với các đối tác, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục xây dựng lòng tin với các nước, ưu tiên quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, liền kề, các nước lớn, các nước trong khu vực ASEAN và các nước bạn bè truyền thống; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng... Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà nước ta là thành viên, trước hết là cơ chế trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Mục đích cao nhất trong quan hệ đối ngoại là phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, theo đó, trong quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, tuyệt đối không để Việt Nam rơi vào thế bị bao vây, cô lập, bị động, bất ngờ, đặc biệt là rơi vào trạng thái đối đầu có thể dẫn đến xung đột. Giải quyết quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực trên tinh thần “hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu, các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”(7). Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề chung, xây dựng lòng tin chiến lược, hướng đến hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(8). Quan điểm trên thể hiện sự nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, nhưng có sự nhấn mạnh rõ hơn, đó là phát huy mạnh mẽ và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; coi đó là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, nét mới trong phương thức, giải pháp bảo vệ Tổ quốc là Đảng ta đã đặt các thành tố kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể gắn kết, thống nhất. Đây cũng là bước phát triển, bổ sung mới về phương thức bảo vệ Tổ quốc, làm tăng khả năng phát huy nội lực, tiềm năng, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay; phát huy và làm sâu sắc thêm tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xét trong tính tổng thể, các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được sử dụng một cách tổng hợp, linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ và sự tương tác lẫn nhau để huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng để bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, cùng với việc bảo đảm ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần tăng cường công tác tư tưởng trong toàn Đảng và trong xã hội.

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; nhận thức rõ và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động nguy hại của các thế lực thù địch. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và cho toàn dân. Lựa chọn nội dung và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Chủ động trong cuộc đấu tranh tư tưởng làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, lôi kéo người dân tham gia.

Bốn là, bổ sung định hướng về phương thức tác chiến để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đối phó kịp thời với chiến tranh kiểu mới, chiến tranh công nghệ cao.

Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc sự phát triển của các hình thức chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới. Nghiên cứu, giải quyết đồng bộ các vấn đề chiến lược, từ quan điểm, nguyên tắc, phương thức và nội dung, cách thức tác chiến. Trên cơ sở đó, tập trung tổ chức xây dựng lực lượng, vũ khí, trang bị, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại và ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu sản xuất các trang bị, vũ khí hiện đại.

Trong điều kiện mới, chiến tranh nhân dân là phương thức hữu hiệu để đối phó với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới; trang bị, vũ khí hiện đại là quan trọng, không thể thiếu, nhưng vấn đề trọng yếu và cốt tử vẫn là nhân tố con người. Cần bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang có bản lĩnh chính trị, trình độ nắm bắt, khai thác, làm chủ khoa học, công nghệ, vũ khí, trang bị hiện đại. Chú trọng hiện đại hóa, trí tuệ hóa nguồn nhân lực của lực lượng vũ trang. Phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới trên cơ sở tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và có những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới.

Năm là, xác định rõ thêm về đối tác, đối tượng.

Để xác định rõ thêm về đối tác, đối tượng, đồng minh, trước hết phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc: Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc; nâng cao cảnh giác, bảo đảm bí mật quốc gia. Việc xác định đối tượng không nêu rõ đích danh mà thông qua mô tả nội dung, hành động để nhận thức cho đúng. Các đối tượng cơ bản gồm: 1- Thế lực hiếu chiến, đồng minh và tay sai là đối tượng cơ bản, lâu dài; 2- Thế lực nước ngoài có tham vọng, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia của Việt Nam là đối tượng trực tiếp, nguy hiểm, lâu dài; 3- Tổ chức phản động trong và ngoài nước, lực lượng cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sẵn sàng câu kết, tiếp tay cho thế lực bên ngoài, là đối tượng nguy hiểm. Trên cơ sở như vậy, phải vừa xác định một cách khách quan, toàn diện về đối tượng bên ngoài trong từng tình huống, vừa chỉ rõ sự nguy hiểm của đối tượng bên trong. Phải cảnh giác, nắm rõ tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, hành động của đối tượng; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tranh thủ mặt đồng thuận, hạn chế mặt đối lập, thêm bạn, bớt thù, tránh bị cô lập, kịp thời ngăn chặn và phá vỡ những liên minh gây chiến tranh xâm lược đất nước.

Về vấn đề đồng minh, liên minh cần xác định rõ trong sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nếu dựa vào nước lớn này làm đồng minh, liên minh thì sẽ trở thành đối tượng chiến lược, đối đầu với nước lớn khác. Vì vậy, một mặt, chúng ta kiên định chính sách “bốn không”, thêm bạn, bớt thù; hài hòa quan hệ với các nước lớn, thiết lập, củng cố quan hệ với tất cả các nước, nhất là các đối tác chiến lược, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, gia tăng sự đan xen lợi ích chung với nhiều nước, tạo sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế; ngăn ngừa nguy cơ và đối phó thắng lợi với các hình thái chiến tranh xâm lược(9); mặt khác, “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế”(10), tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”(11). Đây là biện pháp ngoại giao thiết thực để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sáu là, bổ sung về định hướng bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(12). Do đó, cần xác định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước; sự tham gia của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt.

Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện tốt nội dung này, các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, biên phòng đóng quân ở địa phương ven biển và các đảo cần kết hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan tuyên giáo xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng báo cáo viên, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân sinh sống ở ven biển, trên đảo, ngư dân làm ăn trên biển, kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, cần thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và sự chiếm hữu thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Tuần tra đảo chìm Len Đao, thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa _Ảnh: TTXVN

Xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển từ sớm, từ xa. Tận dụng thời cơ, phát huy, khai thác lợi thế của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, khoa học - công nghệ; phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, huy động cao nhất các nguồn lực, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt. Việc tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển, nhất là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển và lực lượng kiểm ngư vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong đó, hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hóa và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo xa bờ. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển, cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức, biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư đủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên các vùng biển. Dân quân tự vệ biển được xây dựng theo phương châm vững mạnh, rộng khắp, ở đâu có tàu, thuyền, ngư dân hoạt động và dân cư sinh sống trên đảo thì ở đó có dân quân tự vệ biển; tổ chức biên chế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm thành ba tuyến: ven bờ, lộng, khơi; coi trọng lực lượng hoạt động trên biển. Kiểm ngư là lực lượng được tổ chức chặt chẽ, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu thuyền nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, bảo đảm an ninh, trật tự và có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.

Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Là thành viên của Liên hợp quốc, của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế.

Theo tinh thần đó, những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết song phương; những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải công khai, minh bạch giữa các bên có liên quan. Trong khi nỗ lực xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng của nước ta trên biển với quyết tâm “Việt Nam quyết không để một tấc đất, tấc biển nào bị xâm phạm”; kiên trì tìm kiếm một giải pháp lâu dài và yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ cam kết giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an ninh biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

PGS, TS HOÀNG PHÚC LÂM

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

--------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 81 - 82
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 30 - 31
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 156
(4) Xem: Võ Văn Hải: “Những điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 28-2-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825054/nhung-diem-moi-ve-quoc-phong%2C-an-ninh%2C-bao-ve-vung-chac-to-quoc-viet-nam-xa-hoi-chu-nghia-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx 
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 156 - 157
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162
(7) Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, Hà Nội, 2018, tr. 3
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157
(9) Xem: Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 14 - 33
(10), (11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162, 163, 157

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục