Coi người bệnh như người thân
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, những năm qua, tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang không ngừng trau dồi y đức, hết lòng chăm sóc người bệnh. Xác định việc học tập và làm theo lời Bác là việc làm thường xuyên, hàng năm Ban Giám đốc Bệnh viện xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các khoa, phòng, cá nhân. Trọng tâm là gắn giữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện 12 điều y đức, Quy tắc ứng xử của cán bộ, y bác sỹ. Bệnh viện đã thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tích cực cải cách thủ tục hành chính, thay đổi quy trình khám, chữa bệnh “một chiều” từ khâu đón tiếp đến khi bệnh nhân ra viện nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nhờ vậy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh luôn đạt trên 97%.
Cán bộ y, bác sỹ tại lễ xuất quân hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Quốc Việt.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Trung Chính, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang cho biết, thực hiện việc học và làm theo Bác, nhiều y bác sỹ đã có những việc làm cụ thể. Bác sĩ CKI Bàn Thị Bích, Trưởng Khoa Nội nhi đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đánh giá hiệu quả điều trị viêm quanh khớp vai bằng phương pháp tiêm Corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm”. Đề tài được ứng dụng thực tế tại bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Dược sĩ Nguyễn Văn Thuật, Trưởng Khoa Dược đã có sáng kiến pha chế dung dịch sát khuẩn tay nhanh phục vụ nhu cầu thực tế trong thời điểm dịch Covid - 19 như hiện nay.
Tiên phong trên tuyến đầu
Từ khi có bệnh nhân F0 đã điều trị khỏi ở ngoại tỉnh trở về địa phương tiếp tục theo dõi, cách ly tại Bệnh viện Phổi Tuyên Quang là những ngày điều dưỡng Trương Thị Bích, Khoa Hồi sức cấp cứu phải sống xa gia đình. Hàng ngày, bên trong bộ đồ bảo hộ phủ kín là một cơ thể người ướt đẫm mồ hôi giữa những ngày hè nóng bức. Chị chia sẻ, thời gian đầu chị cũng hoang mang nhưng anh em đồng nghiệp luôn động viên nhau cố gắng. Công việc của chị mỗi ngày là mang đồ ăn, đo thân nhiệt, huyết áp cho các bệnh nhân, phát thuốc, hỗ trợ công tác xét nghiệm đối với bệnh nhân mới vào khu cách ly, điều trị. Con chị còn nhỏ nên suốt thời gian làm nhiệm vụ phải gửi nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Những khi hết ca trực chị điện thoại ngay về nhà để động viên gia đình an tâm và cũng để gia đình biết chị vẫn khỏe. Mỗi lần gọi điện con chị lại hỏi “Khi nào mẹ về, con nhớ mẹ”, thương con chị lại khóc nhưng đành nén lại mong ngày hết dịch để trở về.
Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của những chiến sỹ áo trắng trong khu cách ly thì tại các chốt kiểm soát dịch bệnh khó khăn khó có thể nói hết bằng lời. Từ khi thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 xã Sơn Nam (Sơn Dương), đoạn giao giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang trên Quốc lộ 2C, thuộc thôn Bình Man, xã Sơn Nam các cán bộ liên ngành thường xuyên thay nhau túc trực làm nhiệm vụ 24/24. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Trạm Y tế xã Đại Phú (Sơn Dương) bộc bạch, là điểm giao với tỉnh bạn nên lượt người qua lại rất đông, kiểm soát địa bàn trong tỉnh đã vất vả, kiểm soát người ngoài tỉnh ra vào càng đòi hỏi những người làm nhiệm vụ sát sao hơn bao giờ hết. Gần 1 tháng nay, dẫu mưa nắng, không kể ngày hay đêm, những bữa ăn vội, những giấc ngủ chợp mắt, anh em trực chốt vẫn kiên trì khắc phục với quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh “không để sót một ai”.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các công đoàn cơ sở đã trang bị, hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị phòng chống dịch cho cán bộ y tế; phun khử khuẩn khu vực làm việc, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; bố trí cán bộ kiểm tra công tác khai báo, đo thân nhiệt người dân tại các cổng ra vào... Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc là 1 trong những đơn vị tuyến đầu chống dịch và thực hiện công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Do vậy, Ban Giám đốc, Công đoàn cơ sở Bệnh viện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất, thực hiện tiêm phòng vaccine cho toàn cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị. Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện nói, Công đoàn phối hợp với Bệnh viện tổ chức xét nghiệm miễn phí cho cán bộ làm việc tại những khoa, phòng, vị trí có nguy cơ lây nhiễm cao; phối hợp với Đoàn thanh niên làm 150 kính chắn giọt bắn cho cán bộ, nhân viên. Công đoàn luôn làm tốt công tác dân vận, ngoài nguồn quỹ, từ tháng 6 đến nay, công đoàn đã vận động được hơn 60 triệu đồng từ cán bộ, nhân viên Bệnh viện để trao trực tiếp cho 16 y, bác sỹ của Bệnh viện tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh; vận động được hơn 32 triệu đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 với mục tiêu chung tay cùng cả nước chống dịch...
Phát huy sức trẻ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Hoàng Minh Thắng, Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục Hồi chức năng Hương Sen đã tự nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại tỉnh Bắc Giang hồi tháng 6 vừa qua. Anh bộc bạch, anh mong muốn được cống hiến, góp sức mình để đẩy lùi dịch bệnh, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Trong suốt quá trình, đã có thời điểm anh không biết đâu là ngày, đêm, không cả có thời gian ăn, ngủ. Thế nhưng dù có mệt mỏi song anh cùng các đồng nghiệp luôn tự nhủ không ai bỏ cuộc, chịu khó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cố gắng hết mình với mục tiêu chiến thắng đại dịch. Mọi người đã lấy công việc làm niềm vui, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn ngành Y tế. Từ đó góp phần nhân lên những hành động tích cực, phẩm chất tốt đẹp, tạo sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Gửi phản hồi
In bài viết