Sinh ra và lớn lên ở Làng Chạp, xã Trung Sơn, cậu bé Tam sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo, sớm được giác ngộ cách mạng. Ông kể: “Ngày đó, các chú đều đi bộ đội, ở nhà bố mẹ luôn dặn dò các con một lòng hướng về Bác Hồ, hướng về cách mạng”.
Những tấm huy chương của ông Hoàng Văn Tam, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn).
Ngày 4-5-1945, Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Vào ngày 20-5-1945,
Bác Hồ về đến Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn). Ông bồi hồi nhớ lại, ngày đó, Làng Chạp có 14 hộ, biết tin có bộ đội về, mọi người đều háo hức ra đầu làng để đón. Nổi bật trong đoàn người hôm đấy có cụ già dáng người mảnh dẻ, nước da rám nắng, mặc áo chàm, vai vắt chiếc khăn mặt trắng, một tay cầm túi xách, một tay vẫy chào bà con một cách thân thiện. Tiếp theo, Đoàn di chuyển đến sinh hoạt tại nhà ông Sầm Văn Nhì (Chánh Nhì).
Lúc đó cả bản không ai biết đó là Bác Hồ, mọi người gọi với cái tên là “Bộ đội ông già”. Năm ấy, ông Tam tròn 15 tuổi. Ông cùng nhóm bạn thiếu niên được giao nhiệm vụ nấu nước cho bộ đội uống. Ông kể lại: “Đun nước xong có đồng chí tên là Văn (Võ Nguyên Giáp) bảo: “Chú bé mang nước vào cho bộ đội ông già”. Tôi lễ phép mang bát nước vào cho Bác. Ánh mắt Người hiền từ, tay đón lấy bát nước ấm. Lúc sau, Bác ôn tồn bảo tôi vào gọi đồng chí Trần Tùng để Bác gặp. Thế nhưng, khi tôi vào gọi đồng chí Tùng thì ông đang lên cơn sốt rét. Bác Hồ biết chuyện, ngay lập tức sai người mang 3 viên thuốc ký ninh cho đồng chí Tùng uống”.
Sáng hôm sau ông Tam được phân công mang thức ăn cho Đoàn. Lúc sau, Đoàn rời Làng Chạp để đến Tân Trào. Ông Tam tận mắt thấy khi qua suối trong Đoàn có một người bị đau chân (sau này mới biết đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt), Bác Hồ đã nhường ngựa để đồng chí đó di chuyển dễ dàng hơn.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Tam luôn tỏ ra minh mẫn, nhớ đến từng chi tiết. Ông giải thích cặn kẽ, đồng chí Trần Tùng khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Giải phóng Lâm thời Châu Hồng Thái. Được biết, trong hồi ký Thượng tướng Song Hào kể lại, khi Bác vào Đình Hồng Thái (Tân Trào), thì Bác bắt đầu câu chuyện bằng những lời hỏi thăm ân cần về sức khỏe của mọi người và đồng chí Trần Tùng. Bác luôn là vậy, luôn quan tâm, chăm lo đồng bào, đồng chí.
Lần thứ 2 là vào năm 1949, cũng như lần trước, nghe tin có bộ đội về là cả bản ra đón. Bác mặc một bộ quần áo gụ, đi dép cao su, vai đeo một túi vải và chống gậy. Mọi người vẫn gọi Bác là “Bộ đội ông già”. Ông nhớ rằng đi cùng đoàn có các đồng chí: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Bác Hồ cùng đoàn có dừng chân nghỉ tại Lán Đồng Mèo. Đó là căn lán được các đồng chí cảnh vệ và bà con dựng lên làm trạm nghỉ chân cho các đoàn công tác tại địa điểm dưới chân núi Đồng Mèo. Lúc rảnh, các đồng chí cảnh vệ thường giành thời gian xuống làng bản gần đó thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân. Thời điểm đó ông Tam cùng người dân trong thôn tiếp tế lương thực và bảo vệ Bác từ xa.
Người dân nơi đây luôn có ý thức phải bảo vệ “Bộ đội ông già”, phải giữ bí mật việc Bác ở lán, bất cứ ai hỏi cũng phải nhớ thực hiện “3 không”: không nói lộ về lán của Bác, việc đi lại của Bác; không nghe những việc không liên quan đến mình; và nếu gặp ai dù người quen hay lạ có hỏi về Bác thì cũng phải trả lời không biết”.
Cũng như lần trước mọi người không biết “Ông cụ già” đó là ai và mãi sau này dân bản mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta. Ông Tam và bà con càng thêm kính yêu Vị Cha già vĩ đại của dân tộc, một con người bình dị, khiêm tốn, gần gũi với làng bản.
Ông Hoàng Văn Tam, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) kể cho thế hệ trẻ về kỷ niệm những lần được gặp Bác.
Năm tháng trôi qua nhưng ký ức về những lần được gặp Bác vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn người trai trẻ đó. Tất cả là động lực để Hoàng Văn Tam phấn đấu cống hiến vì quê hương đất nước. Vào năm 18 tuổi, ông Tam tham gia tuyển quân vào bộ đội thế nhưng vì cân nặng khi đó có hơn 38 kg nên không được nhận.
Ông ở lại quê hương tiếp tục sống và công tác. Ông trải qua nhiều chức vụ như Công an xã Trung Sơn làm nhiệm vụ kiểm soát việc ra vào, bảo vệ An toàn khu ATK, chỉ huy dân công rồi Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của cấp trên trao tặng. Ông chia sẻ, quãng thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 1969 - 1975 là quãng thời gian để lại ấn tượng nhất trong quá trình công tác. Thời điểm đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, với vai trò người đứng đầu ông cùng Đảng ủy lãnh đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là công tác tăng gia sản xuất, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam và kiến thiết quê hương, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Năm nay, dù đã 91 tuổi nhưng ông vẫn hoạt bát, minh mẫn. Mỗi lần được gần gũi, sum vầy cùng con cháu, ông lại kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Tất cả được gói gọn trong cảm xúc thành kính, tự hào để như nhắc nhở thế hệ trẻ hăng say học tập, lao động, làm theo lời Bác để xứng danh quê hương cách mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết