Ý nghĩa to lớn
Từ tháng 11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức, thành công của hội nghị có ý nghĩa hết sức to lớn, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 1576-CV/VPTW, ngày 20-8-2021 về việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. Đây cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc... để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông qua tuyên truyền, cổ vũ, hội nghị còn là dịp động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất năm 1946.
Cùng với các hoạt động chính, trong dịp này sẽ có một số hoạt động lớn bên lề, như triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, dự kiến vào ngày 21-11 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội); chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề “Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc”, dự kiến tổ chức tối ngày 23-11 tại Nhà hát lớn (Hà Nội)...
“Hội nghị Diên Hồng”
Theo Nhà văn Bùi Việt Thắng, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ảnh hưởng toàn diện đến đời sống xã hội không chỉ riêng Việt Nam, nó tác động mạnh mẽ và làm thay đổi toàn thế giới. Mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng dân tộc qua đại dịch phải tư duy mới, hành động mới để tồn tại và phát triển trong điều kiện không thuận lợi. “Tồn tại hay không tồn tại?” - đang là câu hỏi lớn đặt ra trước nhân loại 7 tỷ người, trong đó có Việt Nam.
“Nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra, là một người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thiết nghĩ, những chia sẻ của chúng tôi, có thể được trao đổi để đi tới đồng thuận trong cách nhìn nhận và đánh giá văn hóa hiện thời” Nhà văn Bùi Việt Thắng chia sẻ.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng.
Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một “hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết.
Sau Hội nghị này, chắc chắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết