Từ tiếng thoi đỡ nhớ đất mẹ
80 tuổi, nhưng cụ Triệu Thị Đám vẫn miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Từ những dáng núi hình đồi, đến họa tiết hình sóng nước... mỗi hình thù được hoàn thiện, bà lại hồi tưởng về cuộc sống nơi núi đồi, trước khi nhường lại để tỉnh xây dựng công trình thủy điện thế kỷ.
Cụ Đám bảo, ở quê mình, những cô gái Dao tiền biết thêu, biết trang trí những họa tiết sinh động, bắt mắt, biết may một bộ trang phục truyền thống từ khi 13, 14 tuổi. Con gái lớn trong nhà được bà được mẹ truyền dạy lại từng đường kim mũi chỉ, từng bước đưa thoi, dệt vải, cả nghệ thuật nhuộm tấm vải màu chàm sao cho đều màu và ít phai nhất. Ngày còn ở quê, việc thêu thùa may vá được xem như tiêu chí để nhà trai chọn cô con dâu khéo tay hay làm, chăm chỉ, tỉ mẩn và ... bền tính.
Chị em ở Tân Cường, xã Tân An, Chiêm Hóa tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ.
Khi nhường đất cho công trình Thủy điện Tuyên Quang về định cư ở miền quê Tân Cường, Tân An, chỉ số ít hộ gia đình mang theo hành trang là chiếc khung dệt cửi. Cụ Đám là một trong số đó. Cụ bảo, những ngày nông nhàn, cụ và một số phụ nữ trong thôn lại mang vải ra thêu tay. Phần họa tiết thì nhờ con cháu gửi về quê để in sáp ong.
Cứ 2-3 tháng, mới hoàn thành được một bộ trang phục truyền thống, nhưng không ai thấy mệt, thấy cực, mà ai nấy đều vui trong lòng. Mùa xuân, những chiếc váy chàm phơi khắp làng như những cánh bướm nở xòe căng đầy sức sống. Những bộ trang phục truyền thống vẫn được các cụ “sản xuất thủ công” như thế. Thành ra, về quê mới, nhưng người Dao tiền ở Tân Cường nhà nào cũng vẫn có trang phục truyền thống để diện vào những dịp quan trọng.
Hồi sinh nghề
Bà Bàn Thị Giàng được xem là người có công khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống của người Dao tiền.
Trước hiên nhà bà Giàng, chiếc khung cửi, khung quay sợi được đặt trang trọng. Người đàn bà hơn 60 tuổi đeo chiếc kính lão, ngồi tỉ mẩn đan từng sợi chỉ màu. Chiếc khung cửi của bà Giàng cũng được mang từ Yên Hoa về, cùng với gỗ lạt làm nhà.
Bà Giàng là người có công hồi sinh nghề dệt trên quê mới.
Những năm đầu, khung được đắp chiếu, chỉ thi thoảng sợ mối mọt, bà Giàng mới mở ra, lau lại từng chút một. Cuộc sống mưu sinh cuốn bà và những người đàn bà ở đây vào với ruộng đồng, rừng núi. Gần như không ai theo nghề thêu dệt thổ cẩm nữa. Chỉ còn người già với nhau vài ba tháng hoàn thành một bộ trang phục truyền thống, người trẻ gần như chẳng ai tha thiết với nghề nữa... Bà Giàng xót xa lắm. Cái nghề truyền thống của người Dao tiền, không lẽ sẽ thực sự biến mất như vậy sao?
Bà giở chiếc khung cửi, đặt vải từ chợ xã và bắt đầu nhuộm chàm từng vuông vải. Phần họa tiết phải in sáp ong bà nhờ người mang ra phố huyện in công nghiệp, còn lại bà tự tay ngồi thêu từng họa tiết. Có sản phẩm, bà lại chạy xe máy về chợ phiên Linh Phú, Tri Phú để chào hàng... May mắn, hàng làm ra đến đâu bán được hết đến đấy.
Những họa tiết đặc sắc của người Dao tiền.
Bà Giàng bắt đầu đặt hàng chị em phụ nữ trong thôn. Cái đặc biệt là tất cả sản phẩm của bà Giàng, đều được may tay. Mỗi bộ trang phục truyền thống của người Dao tiền được bà hoàn thành trong khoảng 10 ngày. Khó nhất, theo bà Giàng, chính là thêu sà cạp (vải quấn chân của người Dao tiền). Là bởi, chị em phải thêu từ mặt trái của vải, nhưng sao cho họa tiết nổi lên ở mặt phải phải chuẩn xác đến từng chi tiết.
Giờ thì ở Tân Cường, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao tiền được hồi sinh mạnh mẽ. Có những nhà, cả 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình đều thành thạo, như 3 thế hệ cụ Triệu Thị Cói – bà Triệu Thị Nái – em Triệu Thị Hợp.
Chị Nguyễn Thị Hoán, cán bộ văn hóa xã Tân An đùa rằng, phải đến Tân Cường vào những ngày mưa mới thấy hết sức sống của nghề này. Dưới những hiên nhà, chị em phụ nữ trong thôn tập trung lại, tỉ mẩn với từng họa tiết, quên cả tiếng mưa rơi buồn ảm đạm phía hiên nhà.
Niềm vui của phụ nữ Dao tiền ở Tân Cường trong trang phục truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Tân An Ma Doãn Đức cho biết, hiện nay xã đang có chủ trương đưa những sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Dao tiền ở Tân Cường thành sản phẩm phục vụ du lịch. Hiện, một số sản phẩm như vải chàm, trang phục phụ nữ, túi... do chị em phụ nữ Dao tiền ở Tân Cường làm ra đã được một số điểm bán hàng du lịch trong huyện đặt hàng, như điểm du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà. Về lâu dài, xã sẽ cho thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và gìn giữ trang phục dân tộc tại đây và mở thêm các lớp dạy nghề để tạo thêm các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của người dân và du khách hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết