Quang cảnh hội thảo khoa học.
Từ một địa điểm phát lộ di tích bên bờ hữu sông Mã, khu vực làng Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) vào năm 1924, đến nay có tới gần 500 địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn và hàng trăm địa điểm phát hiện lẻ, ngẫu nhiên và di tích trống đồng ở Việt Nam.
Với các loại hình nơi cư trú, cư trú-mộ táng, mộ táng, xưởng, thành lũy, trống đồng, di tích Đông Sơn phân bố ở vùng chân núi, chân đồi, nằm cạnh ven sông, ven suối, các ngã ba sông lớn, vùng đồng bằng hẹp giữa các chi lưu sông, suối, thành từng cụm ở các tỉnh miền núi, đồng bằng ven biển, thuộc các tỉnh biên giới phía bắc đến vùng Đèo Ngang, tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham quan di tích khảo cổ ở làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Di tích tập trung đậm đặc ở lưu vực sông Mã, sông Hồng và sông Cả; trong đó Thanh Hóa là nơi phát hiện các di tích Đông Sơn nhiều nhất trong 30 tỉnh, thành phố phát lộ.
Trong tầng văn hóa Đông Sơn, giới nghiên cứu đã phát hiện, sưu tập được số lượng lớn di vật phong phú, đa dạng về loại hình kiểu dáng, có niên đại trong khoảng từ thế kỷ VIII - thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - thế kỷ II.
Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ các nền văn hóa bản địa, là nền tảng văn minh hình thành nên nhà nước thời Hùng Vương.
Tổng kết những phát hiện, nghiên cứu các di tích, di vật, đánh giá những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa; hội thảo khẳng định vị trí, vai trò, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của Văn hóa Đông Sơn đối với tiến trình lịch sử dân tộc nói chung và với quê hương Thanh Hóa nói riêng trong 100 năm qua.
Một số ý kiến thảo luận bày tỏ trăn trở về phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và du lịch, tạo điểm nhấn quan trọng chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở xứ Thanh.
Hội thảo nhấn mạnh, tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm nhận diện sâu sắc quy mô, diện mạo, phân bố, các loại hình di tích và các loại hình địa phương của văn hóa Đông Sơn; tìm hiểu kỹ, khoa học về nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn, tập trung vào 3 khu vực lớn/chính: Sông Hồng-sông Thái Bình; Sông Mã-sông Chu và sông Cả-sông Lam; nhận diện sâu sắc các giá trị lịch sử, văn hóa của văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là những đóng góp lớn của văn hóa này với thời điểm ra đời, mô hình nhà nước sớm thời Đông Sơn; gợi mở vấn đề văn hóa Đông Sơn với văn minh Đại Việt, văn hóa Việt Nam, đặc điểm nhân chủng của cư dân Đông Sơn/cư dân Việt cổ…
Với di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa, hội thảo đề xuất cần lập dự án tập trung điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu khu vực sông Mã-sông Chu, các chi lưu và vùng đồng bằng để tìm hiểu kỹ các giai đoạn phát triển của văn hóa Đông Sơn; có giải pháp bảo vệ, bảo tồn được địa tầng văn hóa nguyên vẹn của di chỉ văn hóa Đông Sơn vừa phát huy được giá trị di sản văn hóa truyền thống trong không gian của một làng cổ mang tên nền văn hóa Đông Sơn. Tiếp tục tham vấn các nhà quản lý, khoa học về những giá trị đặc sắc, tiêu biểu, nổi bật của Di tích Đông Sơn về các tiêu chí, xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt.
Trước thực trạng, hiện trạng, hiện trường các di tích văn hóa Đông Sơn, hội thảo phản ánh yêu cầu cấp bách và kiến nghị xúc tiến xây dựng một Bảo tàng công lập về Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết